“Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên.”

Mỗi lần câu hát này cất lên, dường như mọi giác quan đều chùng lại. Có lẽ nói “cảm nhạc” là hơi quá, nhưng quả thật từ lời ca đến giọng hát truyền cảm của Cẩm Vân luôn khiến con tim tôi rung động, từ ngày đầu tiên tôi được nghe …

“Có một bài ca không bao giờ quên, là lời mẹ ru con đêm đêm.”

Tôi biết biết đến nhạc Cách mạng và hàng trăm bài hát về chiến tranh từ sớm, và giờ đây thể loại phim tôi thích nhất vẫn là về đề tài ấy. Tôi đã bao lần giật mình bởi tiếng bom trong “Cô gái mở đường”, biết bao lần tự hỏi thật ra Trường Sơn dài bao cây số, rồi ngẩn ngơ với “Lá đỏ”. Nhưng chưa từng có bài ca nào lại khiến tôi nổi da gà hay thậm chí mất ngủ như “Bài ca không quên”. Ai đã từng trải qua những điều như thế?

“Bài ca tôi không quên tôi không quên tháng ngày vất vả
Bài ca tôi không quên tôi không quên gót mòn hành quân hối hả
Làm bạn cùng trăng ngồi ôm súng ngắm sao khuya.”

Có ai nhớ lớp 9 đã từng học “Ánh trăng”? Tôi thích “Ánh trăng” cũng bởi câu hát trên. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh một người lính, chắc cũng có đôi chút lãng mạn, sau ngày dài hành quân vẫn ôm cây súng, cười với vầng trăng, ngắm sao trời tự hỏi “Bao giờ có hòa bình?”. Và tôi lại nhớ đến “Mùi cỏ cháy” …

“Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những người đã ngã
Bài ca tôi không quên, tôi không quên, gửi trọn đời cho tất cả
Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương.”

“Tôi không quên tôi không quên”, điệp khúc ấy cứ vang mãi, vang mãi … Một sự ám ảnh triền miên dai dẳng. Người chưa đi qua chiến tranh sẽ thấy đau, người đi qua chiến tranh sẽ thấy sợ, nhưng trong nỗi sợ ấy còn phảng phất bóng dáng của đồng đội cùng chiến đấu. Tôi không bao giờ hỏi bài hát viết cho thời nào. Nó gần như trở thành biểu tượng. Đi qua những tháng ngày khói lửa, trân quý cuộc đời là lẽ đương nhiên. Người ra đi thì ra đi rồi, còn người ở lại sẽ không bao giờ quên được ai đã nằm xuống, ai đã xông lên đem cuộc đời mình đánh cược với Tử thần …

“Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên?
Có giây phút bình yên sao tôi quên? Sao tôi quên?
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời
Tôi không thể nào quên!
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình
Tôi không thể nào quên, tôi không thể nào quên!”

Quê hương – Bạn bè – Cuộc đời

Em yêu – Đồng đội – Lòng mình

Ban đầu chỉ là lí trí, là lí tưởng chiến đấu trong đời lính nhưng sau đó, cảm xúc vỡ òa, đi sâu thêm vào tâm tưởng, lắng lòng mình thêm chút nữa, lời ca ấy đâu phải thuần cho tranh đấu? Lời ca xưa còn là lời người lính hát cho người mình yêu, hát với đồng đội cùng vào sinh ra tử, hát với chính mình để tìm sự thanh thản. Đôi khi, người lính ra trận lại chẳng vì những gì cao cả quá. Một hình bóng khắc cốt ghi tâm cũng là động lực mạnh mẽ để một con người bình thường trở thành chiến sĩ.
* *

“Có một bài ca không bao giờ quên, là thành phố nhớ nhung một dáng hình ai
Có một bài ca không bao giờ quên, là cả mùa Xuân tim không phai.”

Mùa xuân về ư, trong những năm tháng bom đạn? Thành phố nào cũng nhớ bóng hình người đi … Đã đem chôn vào trong tim, mãi mãi không bao giờ quên. Không phai đi, không nhạt nhòa … Chỉ một bài ca ấy, vọng từ quá khứ về tới hiện tại, vẽ lên trước mắt người cả một thời hoa đỏ …

“Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những mùa nước đổ
Bài ca tôi không quên, tôi không quên, em chống xuồng vượt qua pháo nổ
Chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mông …”

Và đấy, trong chiến tranh, mỗi người đi qua đời ta lại để lại một vùng kí ức. Kí ức hóa thành nỗi nhớ. Ra trận, ai cũng mong ngày trở về, rồi trong cay đắng, ai chẳng biết có thể mình một đi không trở lại. Những tháng ngày vất vả và gian khổ khiến mỗi con người lại đặc biệt theo cách bình thường nhất. “Em” ở đây chẳng là ai cụ thể, nhiều lắm chứ, những con người gan dạ như thế. Mà chắc chắn cũng có biết bao nhiêu “Tôi” đã “mang nỗi nhớ mênh mông” ấy …

“Bài ca tôi không quên tôi không quên đất rừng xứ lạ
Bài ca tôi không quên tôi không quên bước dồn đường khuya đói lả
Gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi.

Nhưng giờ đây, có giây phút bình yên …”

Đếm mùa lá rụng, đếm sao trên trời, đếm những đêm thao thức, ôi đời lính … Phải rồi, lên đường, lên đường … Vẫn là đất nước mình đấy thôi, nhưng không phải mảnh đất quê hương. Trên bước đường hành quân ấy, đã bao người vì đói rét mà ngã xuống, chưa kịp thấy ngày hòa bình?

***

Đồng đội, hai chữ thiêng liêng của thời chiến, hai chữ ngậm ngùi của thời bình. Lại thấy đâu đây tiếng nhạc “Đồng đội” vang lên … Điếu thuốc, chén cơm, lá thư quê nhà bỗng thành của chung, thấm đượm niềm vui nỗi buồn đời lính, thấm đượm tình người.

.

.

.

Một bài ca không quên …

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời