Trong Jujutsu Kaisen, các chú thuật sư học tập tại hai ngôi trường “cao chuyên” (高専 – kousen) có cơ sở tại Tokyo và Kyoto. Mặc dù ở bài giới thiệu tên nhân vật, người viết có dịch là trường “cao đẳng”, trên thực tế kousen là một dạng tổ chức giáo dục phức tạp hơn nhiều. Để hình dung rõ hơn về vị trí của các trường kousen trong hệ thống giáo dục Nhật Bản và sự tương đồng với các trường đào tạo chú thuật sư trong Jujutsu Kaisen, chúng ta cùng tìm hiểu.
Trước tiên, hãy nói về hệ thống trường kousen trên thực tế.
Kousen được viết tắt từ cụm 高等専門学校 (koutou senmon gakkou), tạm dịch là trường dạy nghề chuyên sâu. Đây là các tổ chức giáo dục bậc cao (sau THPT) nhằm đào tạo các kĩ thuật viên có kĩ năng thực tế và sáng tạo trong thời hạn 5 năm. Theo trang web của Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), cả nước hiện có 57 trường kousen, tức số lượng khá khiêm tốn.
Điểm cần chú ý về trường kousen là đối tượng được phép nhập học. Cũng theo MEXT, các tiêu chuẩn để nhập học giống như trường THPT:
1. Tốt nghiệp trung học cơ sở
2. Hoàn thành nửa đầu của trường trung học cơ sở
3. Được công nhận là có học lực bằng hoặc cao hơn các mục 1 và 2 theo quyết định của Bộ trưởng MEXT.
Học sinh tốt nghiệp THPT cũng có thể học liên thông lên các trường kousen này. Việc tuyển sinh xét tuyển được thực hiện tại từng trường từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. Có hai hình thức tuyển sinh là lựa chọn dựa trên kết quả kiểm tra thành tích học tập và lựa chọn dựa trên sự giới thiệu.
Hầu hết các trường kousen đều có ký túc xá để học sinh có thể chuyển đến (một số trường cho phép tất cả học sinh năm 1 và năm 2 ở trong KTX). Kinh nghiệm sống chung trong ký túc xá trong độ tuổi nhạy cảm (từ 15 đến 20) có tác dụng giáo dục rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của học sinh.
Thêm nữa, sau khi hoàn thành chương trình học tại các trường kousen, học sinh có thể học liên thông lên năm 3 các trường đại học hay trường đào tạo nghề cao hơn, do đó người viết sẽ tạm dịch trường kousen là “cao đẳng” khi nói về các trường trong Jujutsu Kaisen.
Vậy trường kousen trong giới chú thuật thì sao?
Trường Cao đẳng Chú thuật là cơ sở giáo dục pháp thuật trong nước, nơi đào tạo những người trẻ tài năng và những chú thuật sư mạnh mẽ. Giống như thế giới thực, số lượng trường đào tạo về chú thuật rất ít, cả Nhật Bản chỉ có hai trường công lập là Trường Cao đẳng Chú thuật Tokyo tại vùng Kantou và Trường Cao đẳng Chú thuật Kyoto tại vùng Kansai. Chưa có hình ảnh cụ thể về trường Kyoto, nhưng xem các hình ảnh bên ngoài trường Tokyo, có thể thấy nó giống như các trường chuyên về tôn giáo. Khả năng cao các trường này được chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng trường và đảm bảo bí mật, lí do là những nơi dân cư đông đúc như Tokyo và Kyoto sẽ sinh ra những lời nguyền mạnh hơn nhiều so với các nơi khác.
Ngoài ra, các trường cao đẳng chú thuật còn là cơ sở hoạt động cho cựu học sinh của trường cũng như nhiều chú thuật sư khác, đóng góp trong việc hỗ trợ và sắp xếp nhiệm vụ cho họ.
Học sinh theo học hai trường này bao gồm 1) những người thuộc dòng dõi “Tam đại tộc” (Gosanke, sẽ được đề cập trong bài viết riêng) có lịch sử lâu đời, nắm quyền lực trong thế giới chú thuật, và 2) những người lớn lên trong một gia đình bình thường nhưng được sinh ra với phép thuật (chú lực).
Các bạn có thể thắc mắc: trong Jujutsu Kaisen, dựa vào đâu để các học sinh đang theo học cấp 3 như Itadori Yuuji, Kugisaki Nobara hay Okkotsu Yuuta lại dễ dàng chuyển vào trường như thế?
Vì rất ít người có được tố chất hay sức mạnh sẵn có để trở thành chú thuật sư, và không phải lúc nào người tài cũng sinh ra trong những gia đình trâm anh thế phiệt, trường cao đẳng chú thuật cũng phải đi “săn” nhân tài và đưa họ về với đúng nơi dành cho họ. Đấy là lí do thầy chủ nhiệm năm 1 – Gojou Satoru – cần đứng ra bảo lãnh cho học sinh của mình khi vào trường. Học sinh muốn vào trường Tokyo cũng có thể phải trải qua bài thi vấn đáp với thầy hiệu trưởng Yaga.
Một điểm đặc biệt nữa là học sinh theo học tại trường cao đẳng chú thuật không cần đóng học phí, thay vào đó sau khi hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn, họ sẽ được trả thù lao để sinh hoạt như những người bình thường khác.
Trong trường chú thuật cũng có đồng phục. So với đồng phục bình thường, có lẽ chất liệu làm đồng phục cho các chú thuật sư cũng phải rất bền với chú lực. Có người cho rằng đồng phục của Itadori Yuuji được may thêm phần mũ đỏ nghĩa là ở một mức độ nào đó học sinh được phép yêu cầu bên thiết kế sửa một vài chi tiết, nhưng yêu cầu này được thực hiện bởi Gojou và cũng được kể bởi thầy nên tạm thời chúng ta chưa thể bàn đến tính xác thực của nó =]]]
Nhiều sinh viên sống tại ký túc xá nằm trong khuôn viên của Trường Cao đẳng Chú thuật và được bảo vệ bởi kết giới của đại sư Tengen? (một nhân vật quyền lực trong giới chú thuật). Có vẻ trường rất rộng và không thiếu phòng ốc nên giảng viên và nhân viên của trường cũng có thể sống trong KTX nếu họ muốn.
Cuối cùng phải kể đến “phòng y tế” của trường Tokyo với bác sĩ Ieiri Shouko, bạn cùng khoá với Gojou. Tất cả chú thuật sư khi bị thương đều tới tìm Shouko, bản thân Shouko cũng đảm nhiệm từ việc khám nghiệm tử thi đến tư vấn tâm lí trong trường.
Kết luận
Trên đây chỉ là một bài viết sơ lược về kousen và Trường Cao đẳng Chú thuật Tokyo – một thành tố rất quan trọng trong Jujutsu Kaisen. Để có cái nhìn khách quan hơn, bạn có thể tự mình thưởng thức manga và anime rồi đưa ra nhận định của riêng mình.
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7
Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/
Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/