“Just say I love him

I loved him from the start

And tell him how I’m yearning to say what’s in my heart

Just say I need him

As roses need the rain

And tell him how I’m longing

To see him once again

If you should chance to meet him

Anytime anyplace anywhere

Say I was a fool to leave him

Tell him how much a fool can care

And if he tells you he’s lonely now and then

Won’t you just say I love him

And want him back again”

Nina Simone, “Just say I love him”

Đây là phim đầu tiên của Nga tôi tìm thấy về tình yêu đồng giới. Tìm hiểu mới biết phim này đem đi tranh giải ở London Russian Film Festival.

Tên phim

Thứ khiến tôi phải dừng lại xem phim là vì cái tên. “Winter”, tôi đã nghĩ đây là phim Nga, tất nhiên mùa đông của Nga chẳng còn là gì lạ lẫm, và Nga làm phim có cảnh tuyết rơi trắng trời thì còn gì hơn nữa? Giống như Nhật làm hiệu ứng anh đào rơi vậy đó! Có vẻ như tôi đã kết luận quá sớm. “Winter Journey”, hay tiếng Đức là “Winterreise”, là một bản Liederkreis (song cycle) cho piano và có hát xướng. Khi tiếng dương cầm vang lên từ đầu bộ phim, tôi đã linh cảm nó sẽ là một bộ phim để lại nhiều dư âm…

Schubert, gặp gỡ…

Tôi đã cắn xé tâm can rất nhiều cho tình yêu Tchaikovsky nói riêng và nhạc cổ điển nói chung… Rất khó để một đứa ở trong gia đình không theo nghệ thuật theo đuôi bất kì bộ môn nào một cách chuyên nghiệp… Chắc vì vậy mà mới đầu phim tôi đã đồng cảm với Erik (nhân vật chính). Anh yêu Schubert và nhạc Schubert một cách lạ kì, bất chấp lời người thầy nói anh vô dụng và kém cỏi. Anh biết mình còn thiếu sót rất nhiều, nhưng tất cả những gì anh làm là hằng ngày tìm đến vodka và thuốc lá. Một lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, không chất kích thích, đó là những gì người thầy yêu cầu. Erik không làm theo chút nào, thậm chí có phần quá hơn. Định mệnh đến với anh, thay đổi cuộc đời anh bắt đầu khi anh thả hồn theo những giai điệu du dương trên xe về nhà. Cuộc ẩu đả không làm anh từ bỏ cõi mộng của mình, cho đến lúc tên phá rối nhảy ra trước mặt anh, cướp lấy tai nghe. Anh bất ngờ đến nỗi không phản ứng được gì ngoài im lặng nhìn hắn tới lúc hắn bị cảnh sát bắt đi. Thứ duy nhất hắn bỏ lại là một cái móc khóa có hình con thằn lằn.

Thành phố nơi Erik sống dường như vô danh, và biết đâu đấy, nếu không phải gặp gỡ Erik trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, Lyokha (Лёха, tôi luôn thích những người trong tên có chữ “ё”, như Lev Tolstoi vậy) chắc cũng trải qua cuộc đời vô danh với chính mình. Nguyên cớ gì khiến anh giữ lại điện thoại của Erik và liên lạc? Kì lạ, vì cái móc khóa. Anh gặp lại Erik khi Erik ở cùng đám bạn “homo” và “queenie” của mình (lời Lyokha). Anh chỉ đến đòi lại cái móc khóa, chẳng có ý định gây sự cũng không thèm quan tâm Erik là ai. Nhưng bất ngờ có lẽ cả với anh và người kia, khi anh hỏi về bài hát anh nghe được từ máy Erik hôm nọ. Với một tâm hồn lãng mạn, chỉ cần ai hỏi một câu vu vơ về thứ mình yêu cũng đủ cho họ cảm kích người ấy vô cùng. Người ta hay nói nghệ sĩ mơ tưởng viển vông… Như Petrovsky trong “The 9th Company” đó, chết vì quá yêu cảnh đẹp nơi chiến trường Afghanistan ác liệt…

Ở cảnh sau, Erik vô tư bảo vệ Lyokha chẳng quen biết gì với mình trước mặt người bạn với lí do khó chấp nhận: “Cậu ấy thích nhạc Schubert!”. Đơn giản quá mà cũng tàn nhẫn quá! Hẳn Erik đã cô đơn quá lâu trong tình yêu không thể diễn tả bằng lời, thậm chí giọng ca là thứ duy nhất để anh bày tỏ xúc cảm mãnh liệt nhất đời mình cũng bị hạ thấp. Lyokha đến, mang cho anh chút tia ấm áp của niềm tin. Anh chỉ thấy trong con người ấy sự đặc biệt, mơ hồ chất “nghệ sĩ”. “Fights till the end”, anh đáp lời  sau khi Lyokha nói về con thằn lằn. Nó giống Lyokha đúng không? Cho đến khi tạm biệt người ấy, ánh mắt Erik vẫn mơ màng một nỗi niềm không tên, trong khói thuốc triền miên và men rượu chưa dứt.

Sau cùng Erik vẫn tìm lại được Lyokha trong bộ dạng thảm thương và đưa về nhà mình. Đấy là khoảng thời gian duy nhất tớ cảm thấy mạch phim chậm lại, dù nó đã quá chậm rồi (trừ những cảnh bạo lực). Tớ biết không thể trông đợi một giây phút lãng mạn nào cho bộ phim mà ngay từ tiêu đề đã gợi đến bóng hình cô độc. Hai người nói với nhau rất ít, nhưng đủ để Erik hiểu hơn về Lyokha. Bệnh tật, nghèo đói, chết trẻ, một lần nữa Erik nhìn thấy Schubert trong con người ấy.

Chút đáng yêu cho phim là đoạn Lyokha xin đi cùng Erik tới buổi diễn. Có ai ngờ tên côn đồ lại trở nên bối rối và sợ bị từ chối như thế? Cả Erik nữa, anh cũng cười trước vẻ mặt của Lyokha. Và hai người đến buổi diễn. Đứng bên ngoài, nghe giọng hát Erik cất lên, Lyokha không cầm được nước mắt. Nước mắt cho ai? Cho sự cô đơn của chính anh? Cho sự đồng cảm với Erik? Hay cho cuộc đời bế tắc của cả hai? Một lần nữa anh trốn khỏi bàn tay của cảnh sát, nhưng lần này bên cạnh anh đã có Erik. Cả hai dừng lại bên bờ sông. Lại những lời trò chuyện không đầu không cuối. Anh nói với Erik rằng anh sợ không dám nhìn người ấy hát, nghĩ rằng Erik sẽ quên mất nốt nhạc. Đây có phải lần đầu Erik được nhận những lời khen không? Anh hát lần này là hát cho Lyokha. Tên bài hát ấy, “Winter Journey”, “Như chúng ta lúc này vậy”, giữa trời tuyết rét cóng.

Cảnh trong bar để lại trong tôi quá nhiều suy nghĩ. Do thuốc, do tình, hay do rượu?

Hai người không đi cùng nhau… Tiếng nhạc vang lên, “Just say I love him”. Tôi biết mỗi bài hát trong phim đều có dụng ý nghệ thuật cả… Sao tôi vẫn cố chấp hi vọng họ yêu nhau? “Want him back again”, sao nghe câu này mà tôi không đoán ra được rồi sẽ có người ra đi? Để có tiền đi trốn, hai người đến nhà Slava (tôi vẫn chưa thể hiểu Slava là ai với Erik), lấy chiếc vòng Slava tặng cho Erik mà anh đã từ chối. Không muốn làm kẻ trộm, Erik chần chừ, đứng nhìn Lyokha gây hấn với Slava, dù chỉ còn vài bước chân sẽ đưa anh đến với cơ hội giải thoát cho cả hai… Rồi sao? Một nụ hôn từ Lyokha, chóng vánh, vội vã, như một cơn gió thoảng.

… và chia ly

Bỏ Slava ở lại, hai người chạy đi rất xa. Tới đây, tim tôi gần như vỡ vụn…

“Giờ thì về đi, tôi sẽ đi một mình. Nói tạm biệt thôi. Cậu nhìn tôi kiểu gì vậy?”

“Kiểu gì?”

“Kiểu như cậu đang yêu! Đám homo đó không đủ cho cậu xài sao?”

Sau đó là một loạt những câu xúc phạm. Tại sao Erik phải chịu đựng những đau đớn tinh thần như vậy? Tại sao khi anh tìm thấy chút sáng trong đời mình thì cuộc đời lại đẩy anh sâu hơn xuống vực tuyệt vọng?

Ám ảnh ư? Chính là đoạn cuối phim, khi Erik lại tìm đến vodka để giải cơn sầu không chỉ vì nỗi đau bị ruồng bỏ mà còn là nỗi đau không còn ai thấu hiểu lời ca của mình (hãy để tôi tin như thế đi!), khi Lyokha bỏ đi trên cây cầu, dưới trời buốt giá, trong đầu anh hiện lên hình ảnh của anh và Erik… Mong là tôi không tự huyễn hoặc bản thân…

Tuyết

Tuyết, tuyết, và tuyết. Khung cảnh của phim dường như tô đậm thêm cùng nhạc Schubert nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn nhân vật. Lạnh lẽo, hoang tàn, nó khiến tớ hơi chạnh lòng… Không một chút chỉ điểm xem đây là nơi nào trên đất Nga buốt giá tận tâm can ấy…

Tuyết đã bao giờ đẹp hơn trong mắt người đang yêu? Tuyết có khi nào vùi lấp một tâm hồn, đóng băng cả những xúc cảm mới chỉ như chồi non mới nhú? “Winter Journey”, chuyện tình đẹp như mơ và kết thúc như một cơn mộng ảo …

“Đừng buồn cái đẹp nào cũng phù du vì chỉ có cái phù du mới đẹp”

Trang Thế Hy, “Lời nói dối nhân ái”

Tôi đã “chết” bao nhiêu lần vì cái đẹp phù du của tình yêu chôn vùi trong tuyết rồi nhỉ?


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Đọc thêm về Tam quốc: https://phanthuha.me/category/tam-quoc/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời