Ở bài viết giải thích về tên manga Jujutsu Kaisen, người viết đã đề cập đến việc các yếu tố Phật giáo xuất hiện ngay từ tên truyện. Tuy nhiên, yếu tố Thần đạo Nhật Bản cũng quan trọng không kém trong cách tác giả xây dựng nhân vật. Trong bài viết mới này, người viết sẽ chọn nói về nhân vật mang nhiều màu sắc tôn giáo nhất (theo nhận định cá nhân) và cũng là nhân vật được coi là chú thuật sư mạnh nhất trong Jujutsu Kaisen – Gojou Satoru.

Màu sắc Thần đạo (Shinto) ở Gojou

Đền thờ Yushima Tenman-gu, nơi phối thờ Sugawara no Michizane ở Tokyo (Nguồn: https://matcha-jp.com/en/901)

Gojou Satoru sinh ngày 7 tháng 12 năm 1989, được coi là hậu duệ của Sugawara no Michizane – học giả nổi tiếng thời Heian, vị thần học thuật và là một trong “tam đại oán linh” trong truyền thuyết Nhật Bản.

Bản thân Gojou cũng có những nét khá tương đồng với tổ tiên của mình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống chú thuật sư, với tài năng thiên bẩm, học thức uyên thâm, Gojou tiếp tục đi theo con đường giáo dục vì lí tưởng cá nhân nhưng cũng gây nhiều thù oán do địa vị và sức mạnh của mình, đặc biệt là việc Gojou bị phong ấn cũng rất giống với án oan nổi tiếng của Sugawara no Michizane (để bạn đọc hình dung rõ hơn về nhân vật lịch sử nói trên, có lẽ người viết cần một bài viết khác). Nhìn chung, theo quan điểm cá nhân người viết, Gojou Satoru là nhân vật được tác giả “chọn mặt gửi vàng” để truyền tải rất nhiều thông điệp về bài học lịch sử, triết lí giáo dục và quan niệm về tôn giáo của người Nhật.

Màu sắc Phật giáo ở Gojou

Ngộ (Satoru)

Chữ Ngộ

Về màu sắc Phật giáo, đầu tiên, ta có thể thấy ngay từ trong tên của Gojou – chữ “Ngộ” (Satoru). Nó khiến ta liên tưởng đến “giác ngộ” trong đạo Phật. Giác ngộ là tỉnh ra khỏi những chấp niệm, u mê, lầm lạc mà hiểu rõ cuộc đời, hiểu không chỉ bằng trí thức, lí luận mà còn hiểu ở chiều sâu của cảm nhận, bằng kinh nghiệm sống. Đối chiếu với các sự kiện trong Jujutsu Kaisen, dường như tác giả đã coi Gojou như một bậc giác ngộ, với vai trò dẫn đường chỉ lối cho những học trò của mình, không chỉ về công việc giải trừ những lời nguyền mà còn cả về những vấn đề cá nhân.

Sau khi nhìn thấy những sự thật đau lòng trong giới chú thuật, Gojou quyết định mình sẽ trở thành một thầy giáo để thay đổi môi trường giáo dục, sẵn sàng đứng ra bảo vệ học sinh của mình và nỗ lực để thế hệ sau được sống đúng với lứa tuổi mà không phải chịu nhiều sang chấn như thế hệ của anh. Mặc dù chưa thể bàn luận quá nhiều về mức độ giác ngộ của Gojou trong đời sống riêng, ta vẫn hình dung được Gojou đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nhân vật chính Itadori Yuuji khám phá tiềm năng của bản thân. Dù mang danh “chú thuật sư mạnh nhất”, Gojou chỉ làm nhiệm vụ của người dẫn đường, chỉ ra tay khi Itadori cần mình nhất, bình tĩnh dõi theo quá trình trưởng thành của Itadori.

Lục nhãn

Đọc thêm về Lục nhãn tại đây.

“Vô lượng không xứ” – vùng không gian tối đa hoá sức mạnh của Gojou

Jujutsu Kaisen, chương 15

Vô lượng không xứ (vùng hư không chẳng bờ bến) là vùng không gian tối đa hoá sức mạnh của Gojou (lãnh vực triển khai – tạm dịch: mở rộng lãnh địa). Trong Phật giáo cũng có một khái niệm là không vô biên xứ. Đây là cảnh giới bậc cao của thiền định mà trong đó mọi dạng hiện hữu vật chất đều không còn, thiền giả chỉ trải qua trạng thái tự nhiên của hư không vô hạn. Hành giả ở đó trong trạng thái tỉnh thức của tâm trí, không còn vướng vào những mưu cầu trong dục giới và sắc giới, cũng như không còn những tạp niệm của các cõi giới đó. Khi không bám chấp vào vật chất hay mong muốn, hành giả có thể hiểu được bản chất của vạn vật.

Hành động của Gojou khi mở rộng lãnh địa cũng là một thế bắt ấn (thủ ấn) trong Phật giáo Mật tông. Bắt ấn nghĩa là tác động vào đầu ngón tay, hoặc các gốc của ngón tay để kích hoạt những huyệt trong cơ thể, giúp trao đổi nội khí của cơ thể với thiên khí hoặc địa khí của vũ trụ bên ngoài. Bắt ấn trong Phật giáo thể hiện cho nguyện lực nhân duyên và hoàn cảnh giác ngộ, thậm chí đó còn là hình ảnh khi hành đạo và thuyết pháp của các vị Phật.

Đọc thêm: “Vô lượng không xứ” là gì?

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”

Jujutsu Kaisen, chương 75

Trong chương 75, Gojou Satoru có một câu thoại nổi tiếng:

Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn

Đây là một cụm từ trong Phật giáo. Người ta ghi lại rằng khi Thái tử Tất-đạt-đa (tức Phật Thích-ca Mâu-ni) ra đời, Ngài một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và hét lên: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”

Đọc thêm: Ý nghĩa của câu nói “duy ngã độc tôn”

Trong “Jujutsu Kaisen”, Gojou Satoru đã thốt ra những lời này trong một cảnh anh tỉnh thức, tái sinh thành chú thuật sư mạnh nhất. Câu thoại này cũng được Ryomen Sukuna sử dụng khi nói về bản thân mình. Vậy phải chăng sức mạnh của cả hai, nhận thức của cả hai về bản thân tương đồng với nhau? Trong truyện, khi được hỏi nếu đánh nhau với Sukuna ai sẽ là người chiến thắng, Gojou vẫn trả lời đó là mình. Người viết cho rằng lí do là vì Gojou đặt mình ở vị trí của phe THIỆN còn Sukuna đại diện cho phe ÁC, dù năng lực như nhau nhưng sự giác ngộ về với chánh pháp của Gojou sẽ giúp anh chiến thắng Sukuna nếu phải giao đấu.

Kết

Tới đây ta có thể thấy, Jujutsu Kaisen giống như bộ truyện về quá trình giác ngộ của con người. Những sinh vật bị nguyền vốn sinh ra từ cảm xúc tiêu cực của con người, vậy thì chỉ có những ai đủ tỉnh thức, nhận ra được mê lầm mới có sức mạnh tiêu diệt chúng?


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời