{trích “Lí luận Quan hệ quốc tế – Kim chỉ nam cho lịch sử đương đại” (Nakajima Mineo, 1992)}
Bánh xe lịch sử thế giới đã kêu một tiếng rền vang và xoay chuyển một bước ngoạn mục. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ nửa sau năm 1989, giống như một sự bù đắp đầy bi kịch cho Sự kiện mùng 4 tháng 6 tại Trung Quốc, đã trở thành một làn sóng lịch sử cuốn qua các nước Đông Âu và cuối cùng gây ra sự giải thể của Liên bang Xô viết vào cuối năm 1991. Làn sóng ấy vẫn tiếp tục tới hôm nay, nhấn chìm cả quốc gia XHCN đầu tiên ở châu Á – Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ. Cùng lúc đó, với bước ngoặt là hội nghị Malta giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vào cuối năm 1989, Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Đông Tây – thứ được khắc hoạ là “nền hoà bình dài lâu” của thế kỉ 20 (John L. Gaddis) – đã đi đến hồi kết.
Chắc chắn những sử gia hậu thế sẽ miêu tả về 3 năm qua (1989-1991) là bước ngoặt lịch sử của các hệ thống chính trị trong thế kỉ XX – thế kỉ của cách mạng và chiến tranh.
Tuy vậy, làn sóng sử đương đại với việc lấy “thoát XHCN” và “thoát Chiến tranh Lạnh” làm trục của chúng ta hiện nay sẽ đi đến đâu vẫn còn chưa chắc chắn, vì tương lai nước lớn của châu Á – Trung Quốc [với tư cách một nước XHCN] – vẫn còn đang là ẩn số.
Trong khi đó, vấn đề dân tộc nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới dưới hình thức xung đột sắc tộc (ethnicity) đã trở thành yếu tố căn bản gây ra sự giải thể hay tan rã, thống nhất hay “tái tổ chức” của các quốc gia-dân tộc đã hình thành trước đây.
Chúng ta đã chứng kiến Liên Xô đóng lại trang sử 70 năm của mình vào cuối năm 91, sinh ra Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG trong tiếng Nga, CIS trong tiếng Anh). Chúng ta cũng thấy được tình trạng hiện nay của Liên bang Nga – trung tâm của Liên Xô – đang ngày càng hỗn loạn, khắc sâu thêm những chia rẽ to lớn về cả xã hội, kinh tế, chính trị và hệ tư tưởng vốn đã tồn tại. Trong khi vấn đề độc lập dân tộc của 3 nước vùng Baltic trong quá trình giải thể của Liên bang Xô viết vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ và tương lai của họ vẫn chưa được xác định, ngay trong Liên Xô cũ, xung đột nội bộ ở nước cộng hoà Gruzia hay khủng hoảng của “nội chiến” giữa hai nước cộng hoà Armenia và Azerbaijan xoay quanh vùng tự trị Nagorno-Kabarakh cũng bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng.
Mặt khác, ở Nam Tư vẫn tiếp tục xảy ra nội chiến. Ngoài bi kịch của hai nước cộng hoà Croatia và Bosnia-Herzegovina, hai nước cộng hoà Serbia và Montenegro cũng độc lập khỏi Nam Tư và quyết định lập nên một quốc gia đơn nhất mang tên “Nam Tư mới”. Tương lai của quốc gia này vẫn còn cho thấy nhiều bất ổn.
Ở các vùng dân tộc Hồi giáo Trung Á của Liên Xô đã xuất hiện các phong trào hướng đến việc hợp nhất thành một quốc gia mới. Động thái này càng làm sâu sắc thêm tư tưởng “Hồi giáo hoá” các vùng dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Quốc. Trong làn sóng “thoát XHCN” mang tính lịch sử này, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ rằng [những động thái trên] có thể liên quan đến việc “tái tổ chức” nước CHND Trung Hoa. (người dịch: ý là sẽ có những động thái li khai?)
Chỉ xem xét những gì tôi vừa kể trên cũng có thể hiểu được quá trình diễn biến của lịch sử đương đại đầy biến động sau khi công cuộc cải tổ (Perestroika) và công khai (Glasnost) được tiến hành toàn diện của Gorbachev đã dẫn đến sự giải thể của Liên Xô. Thật cần thiết để nêu lên một thắc mắc căn bản rằng các quốc gia trong thế giới hiện đại sẽ tồn tại dưới hình thức nào. Cùng với những vấn đề như quốc gia-dân tộc và sắc tộc, vấn đề tôn giáo, tính chất của chủ nghĩa dân tộc ngày nay và sự “không biên giới” của thông tin và kinh tế, những vấn đề như sự mở rộng toàn cầu của “dân chủ hoá” với trung tâm là sự chuyển hướng của dư luận hay vấn đề nhân quyền cũng phải được xem xét cẩn thận.
Những vấn đề mới này có điểm chung ở quy mô toàn cầu. Chúng ta cần quan sát xem những vấn đề đó nảy sinh từ nội bộ hay từ gốc rễ của các quốc gia và những đất nước đa sắc tộc, cũng như xem chúng sẽ dẫn đến việc tái tổ chức nhà nước hay sẽ tạo ra những tương lai khác nhau như những chuyển biến cá biệt hoặc mang tính khu vực ở mỗi vùng.
Như vậy, trước khi chúng ta định tổng hợp thông tin và phân tích thì sự phát triển mang tính lịch sử của thế giới hiện đại đã là những gì xảy ra trước mắt, thứ trở thành cú sốc tâm lí mạnh mẽ và đang tiến đến gần sát chúng ta. Trong hoàn cảnh này, dẫu biết chúng ta càng phải chú trọng hơn bất kì thời đại nào tới cái gọi là công việc tìm tòi, nghiên cứu quy luật và hướng đi của lịch sử hiện đại với góc nhìn đương thời, công việc này vẫn đòi hỏi cực kì nhiều sự gian khổ và nhẫn nại. Dù vậy, là những người trực tiếp sống trong thời đại này, chúng ta không thể lơ là công việc ấy.
Ban đầu, có thể nói Lí luận Quan hệ quốc tế là ngành nghiên cứu lấy việc nhận thức tình hình/ hoàn cảnh như hiện nay làm nền tảng và ra đời trong mối quan hệ căng thẳng với hiện thực. Lí luận Quan hệ quốc tế cũng là lĩnh vực học thuật mới, đứng trên lập trường phản tỉnh so với các ngành đã tồn tại trước đó như Lịch sử ngoại giao hay Chính trị quốc tế, hướng đến việc phân tích một cách tổng hợp, bao quát những yếu tố làm biến đổi quan hệ quốc tế. Cụ thể, qua trải nghiệm bi thảm của nhân loại mang tên Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngành học này ra đời. Có thể nói các lĩnh vực của ngành được thiết lập và phát triển với mục đích tìm hiểu ý nghĩa của việc nhân loại lại một lần nữa bước vào một cuộc thế chiến, bất chấp sự tồn tại của Chương trình 14 điểm của Tổng thống Wilson hay các hoà ước sau đó (tức sau Thế chiến 1). Lí luận Quan hệ quốc tế thường chọn khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, đặc biệt là các vấn đề trong những năm 30 của thế kỉ XX, làm một trong những đề tài nghiên cứu trung tâm cũng là vì lẽ này.
Việc một ngành nghiên cứu mới như vậy có được chỗ đứng trong thế giới học thuật cũng là mốc lịch sử rất gần đây, ở Nhật Bản cũng chỉ mới sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy sự phát triển mang tính học thuật đầy ấn tượng của Lí luận Quan hệ quốc tế ở Nhật Bản qua sự tiếp thu một cách chọn lọc thành quả của nghiên cứu Lí luận Quan hệ quốc tế hay Nghiên cứu khu vực của các nước Âu Mỹ (nghiên cứu Trung Quốc – châu Á, nghiên cứu Liên Xô và khối các nước Sla-vơ của Mỹ; ngành Đông phương học Oriental Studies của Anh; ngành Trung Quốc học Sinologie của Pháp; nghiên cứu Á-Phi của Liên Xô cũ; nghiên cứu Đại lục và nghiên cứu phía Nam của Nhật Bản trước Thế chiến 2, tức những nghiên cứu về thuộc địa của Yanaihara Tadao hay các khảo sát về xã hội Trung Quốc của Cơ quan Nghiên cứu đường sắt Nam Mãn Châu), và ngày nay vẫn tiếp tục tích luỹ những thành quả đáng chú ý.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ nhìn lại tình hình hiện nay xoay quanh Lí luận Quan hệ quốc tế và trình bày cách tiếp cận cũng như đánh giá của cá nhân mình.
***
*Nakajima Mineo (1936-2013) là một trong những học giả hàng đầu về nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Nhật Bản; tốt nghiệp bậc Cử nhân ĐH Ngoại ngữ Tokyo ngành Trung Quốc học, tốt nghiệp Thạc sĩ ĐH Tokyo ngành Quan hệ quốc tế, tốt nghiệp Tiến sĩ ĐH Tokyo ngành Xã hội học; từng giữ chức Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Tokyo và đi đầu trong việc cải cách giáo dục đại học; tác phẩm đầu tiên “Trung Quốc hiện đại” (1964) thu hút sự chú ý trong giới học thuật vì sự chỉ trích táo bạo của ông đối với chính quyền Mao Trạch Đông thông qua một phân tích sâu về chia rẽ Trung-Xô; ông được nhiều người ca ngợi là “nhà nghiên cứu xuất sắc nhất về phân tích Trung Quốc đương đại” với những bình luận sâu sắc về Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc. Đọc thêm tại: http://www.nakajimaworks.com/
*Lời người dịch: Khi viết luận văn tốt nghiệp về quan hệ Việt-Trung, mình biết đến các bài phân tích Trung Quốc của thầy Nakajima. Tuy chưa có cơ hội đọc toàn bộ các nghiên cứu về Trung Quốc của thầy, mình được cô hướng dẫn nhận xét là hướng tiếp cận quan hệ Việt-Trung của mình có sự tương đồng với cách thầy Nakajima phân tích về quan hệ Trung-Xô. Mình nghĩ đây là một cái duyên, và đó là lí do để bắt đầu dịch cuốn sách “Lí luận Quan hệ quốc tế – Kim chỉ nam cho lịch sử đương đại”.
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Nếu bạn có nhu cầu học tiếng Nhật:
https://www.facebook.com/groups/3334879080103554
https://www.facebook.com/profile.php?id=100089259412464
Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/
Tài liệu mình tổng hợp và nhiều thông tin khác: https://beacons.ai/akigawanihongo
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/