Theo những nhà làm phim Nhật Bản quan niệm, lịch sử Trung Hoa đã trải qua ít nhất là 4000 năm. Suốt quãng thời gian đó, bao nhiêu biến cố, thăng trầm đã xảy ra trên đất nước Trung Hoa, từ chính trị, văn hóa đến kinh tế, xã hội, khiến “người ngoài” (người ngoại quốc) kính phục và cũng nể sợ. Đặc biệt, văn hoá Trung Hoa được tạo nên từ lối suy nghĩ thâm sâu và tầng tầng lớp lớp triết lý trong những học thuyết ra đời khoảng 2000 năm trước, những học thuyết mà đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định mình hiểu hoàn toàn về chúng ấy nở rộ vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Trong số đó, Nho giáo là thứ học thuyết ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, không chỉ với con người Trung Quốc mà ghi dấu ấn lên cả những quốc gia láng giềng. Bàn về Nho giáo, học giả Will Durant từng nhận định “Từ sự khởi lập của nhà Hán tới sự suy tàn của triều Thanh trong 2000 năm, học thuyết Nho giáo đã tạo nên khuôn mẫu và chỉ huy tinh thần dân tộc Trung Hoa. Có thể nói, lịch sử Trung Hoa được viết nên từ những ảnh hưởng đó.” Nhận định này chính là cách một người phương Tây, tức là từ bên ngoài vùng trời Hoa Hạ, nhìn nhận và đánh giá đất nước và con người Trung Quốc.

Nho giáo là sự lựa chọn của lịch sử

Ý đầu tiên Will Durant đề cập tới là thời gian ảnh hưởng trên phương diện chính trị của Nho giáo. “Từ sự khởi lập của nhà Hán tới sự suy tàn của triều Thanh”, tức là trải từ thời Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa tranh bá với Hạng Vũ cho tới ngày Cách mạng Tân Hợi nổ ra. Thời kì phong kiến trên 2000 năm này đã tạo một dấu ấn không thể phai mờ. Cụ thể, khi Tần Thủy Hoàng – vị vua thống nhất đất nước – qua đời rồi không bao lâu sau nhà Tần sụp đổ, không một tôn giáo nào, một thứ tâm linh nào có thể cứu vớt được sự rối ren trong cả nền chính trị lẫn xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, rất cần có một thứ học thuyết “bao trùm thiên hạ”, tạo sự ổn định cho toàn xã hội và đưa đất nước vào quy củ xuất hiện. Tuy từ thời kì Tây Chu, bách gia chư tử ai ai cũng muốn tạo ảnh hưởng của mình lên toàn bộ nhân dân, lịch sử đã gọi tên Nho giáo. Người đặt cơ sở đầu tiên cho Nho gia là Khổng Tử, sau này Mạnh Tử thời Chiến Quốc và Đổng Trọng Thư thời Tây Hán đã phát triển học thuyết lên mức hoàn chỉnh. Nho giáo của Khổng Tử đề ra đường lối trị quốc là dựa vào đạo đức, hay “đức trị”. Chính vì Nho giáo đề cao đạo đức, lại được bổ sung, cải thiện qua năm tháng nên người Hán vô cùng coi trọng đạo đức. Không chỉ vậy, tam cương-ngũ thường cũng là những khái niệm ăn sâu vào tâm thức của họ, tạo nên màu sắc đặc biệt cho người Trung Quốc mà ta có thể gọi là “thuộc tính Trung Hoa”. Tóm lại, những khuôn thước mà Nho giáo tạo nên chính là thứ chi phối mọi mặt đời sống nói chung và chính trị nói riêng.

Tư tưởng Thiên tử-chư hầu của Trung Quốc

Đúng như Will nói, “Lịch sử Trung Hoa được viết nên từ những ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo”. Hãy nhìn những lần thay bậc đổi ngôi của các triều đại Trung Hoa. Lấy ví dụ, sau loạn “Thập thường thị” của nhà Đông Hán, chẳng phải tam quốc phân tranh đều có lí lẽ riêng? Ngay cả trong thời loạn, nhà Ngụy của Tào Tháo vẫn mang một ham muốn bắt Thục-Ngô xưng là chư hầu để vào chầu thiên tử. Tào Tháo tuy át quyền vua nhưng vẫn giữ vai trò thần tử, mang danh Thừa tướng chứ không diệt Hán Hiến đế; Lưu Bị khởi nghĩa với danh “hoàng thúc” để giành lại quyền lực về tay họ Lưu; Tôn Kiên dựng một cõi Giang Đông cũng vì suy nghĩ ổn định nhằm nhất thống Trung Nguyên. Cuối cùng, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp, nhà Tư Mã lên nắm quyền, lập ra nhà Tấn. Nhưng cho dù là hợp hay tan thì tư tưởng thiên tử-chư hầu vẫn là xương sống.

Tư tưởng “Thiên tử-chư hầu” nói trên cũng chi phối đến quan hệ ngoại giao của Trung Hoa với các quốc gia láng giềng hay các quốc gia thần phục. Quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, diễn ra dưới dạng “triều cống” và “sắc phong”. Triều cống là việc các nước sai sứ giả đem cống phẩm tới kinh đô của Trung Quốc làm quà tặng, sau đó sẽ nhận lại vật phẩm quý từ Trung Quốc hoặc sự hợp tác giao thương, còn sắc phong là việc hoàng đế của Trung Quốc ban tước, phong vương cho các nước sẵn sàng nằm dưới sự bảo hộ của triều đình Trung Hoa. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia láng giềng hay nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc đều giống nhau. Ví dụ, đối với Nhật Bản, Trung Quốc không may mắn có vị trí “thiên triều” như trong quan hệ với triều đình Cao Ly (Triều Tiên) hay Lưu Cầu (Okinawa ngày nay). Trong suốt lịch sử trung đại, không có bất kì ông Nhật hoàng nào cử sứ giả sang Trung Quốc xin tước phong. Ngay trong bức thư đầu tiên gửi Tùy Dạng Đế thiết lập quan hệ ngoại giao, thái tử Shotoku đã mở đầu “Thư này là thư thiên tử xứ mặt trời mọc gửi thiên tử xứ mặt trời lặn”. Người Trung Quốc, đặc biệt là triều đình nhà Tùy, dĩ nhiên là tức giận, nhưng ảnh hưởng không đủ mạnh nên tuyệt đối không làm Nhật quy hàng. Hay với thời kì phong kiến của Việt Nam, Trung Quốc tuy tạo ra được ảnh hưởng to lớn về văn hoá nhưng ảnh hưởng về chính trị lại không nhiều khi người Việt vẫn xây dựng hệ thống chính trị riêng, chỉ giữ mối quan hệ triều cống-sắc phong như một nghi thức ngoại giao thay vì thần phục Trung Hoa hoàn toàn.

Nho giáo sau sự suy vong của thời kì phong kiến

Vậy sự suy tàn của phong kiến Trung Hoa là có phải vì sự bất hợp lí trong học thuyết của Nho gia hay không, khi mà việc giao thương với phương Tây đã khiến người Trung Hoa phải gỡ bỏ “bế quan tỏa cảng” không chỉ thương nghiệp mà còn cả về tư duy? Chúng ta không thể vội vã kết luận về vấn đề này, nhưng có một điều chắc chắn là tuy nền quân chủ đã đến lúc cáo chung, những ảnh hưởng của Nho giáo không hề phai nhạt trong thời hiện đại. Ta có thể xem xét hai ví dụ dưới đây.

  • Vì câu nói “Chúng ta đều là người Trung Hoa, người Trung Hoa thì không đánh giết lẫn nhau”, khi Nhật vào thảm sát dân Trung Quốc, hai đảng đối lập là Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông và Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch mới bắt tay nhau chống Nhật, đúng như câu “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (quý nhất là dân, sau là xã tắc, thứ yếu là người lãnh đạo).
  • Mạnh Tử nói “chưa từng thấy người có nhân mà lại bỏ rơi người thân”, nhưng “Đại Cách mạng văn hóa vô sản” đã minh chứng điều ngược lại với lời của Mạnh Tử. Công cuộc cách mạng đó sinh ra con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, anh em họ hàng hại nhau, đây có phải là “Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín” của Nho giáo hay không?

Như vậy, những mâu thuẫn trong lịch sử Trung Hoa giúp ta hiểu được Nho giáo cũng đã có thời kì thịnh và suy. Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử Trung Hoa, nhìn sâu vào tâm tư của một kẻ là “nước lớn”, ta thấy được sự chặt chẽ trong tổ chức chính trị, sự phân cấp và quy tắc trong tổ chức xã hội, những quy chuẩn đạo đức ấn định đẳng cấp con người. Tất cả những thứ ấy tạo nên một chữ “Ngạo”, được nhà văn Vương Mông miêu tả: “Trung Quốc vĩ đại, sâu thẳm, đau khổ thật là sâu không thấy đáy. Rất nhiều kẻ đã huơ chân múa tay bình luận, kỳ thực họ vẫn chẳng động tới được một góc Trung Hoa”.

Tinh thần dân tộc của người Trung Hoa là sự hòa quyện của tất cả tinh hoa từ mọi học thuyết mà hạt nhân là Nho giáo. Khó có thể nói cho đến cùng những ảnh hưởng to lớn mà Nho giáo đã tạo ra đối với người Trung Hoa và cách họ viết nên lịch sử. Chúng ta cũng có quyền mong chờ với tinh thần dân tộc ấy, họ sẽ đứng trên trường quốc tế với thái độ như thế nào trong tương lai.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời