Phần 1: Đất nước nơi sự ngờ vực và tin tưởng vô hạn với người khác cùng tồn tại

{trích “Bức phác hoạ nước Nga” (Koizumi Yuu, 2022)}

Điều tôi thấy quá kì lạ sau khi thử sinh sống ở Nga là sự ngờ vực và tin tưởng vô hạn với người khác cùng tồn tại trong xã hội.

Người Nga nhìn chung rất đề phòng người lạ. Ngoài người thân thì họ không tin tưởng ai cả. Người Nhật khi nhìn thấy con nhỏ của người khác thì hay nhìn và khen “Ôi đáng yêu quá”, còn nếu làm vậy với người Nga thì họ sẽ rất khó chịu.

Tuy vậy, điều thú vị là “người Nga đặc biệt không tin tưởng người Nga”. Điểm này người Nga cũng tự nhận, có câu nói đùa rằng “Trên thế giới này thứ người Nga không tin tưởng thứ hai là người Mỹ”, ta có thể ngầm hiểu rằng “Khỏi phải nói, người mà họ không tin tưởng nhất chính là người Nga!”.

Thay vào đó, một khi đã được họ đối xử như người thân thiết thì họ sẽ cực nhiệt tình với bạn. Có vẻ cảm xúc “muốn làm gì đó cho người thân” của họ rất mãnh liệt, thấy được qua cách thể hiện thái độ kiểu “Có gì khó khăn thì cứ nói mình nhé” hay “Sao chuyện như vậy mà không bảo tôi”. Đây vừa là sự tốt bụng của người Nga, vừa là sự phản ánh lịch sử một thời dưới bầu không khí căng thẳng và chế độ chuyên chế mà nếu không giúp nhau thì không sống nổi.

Đường phố Matxcova (Nguồn: Unsplash)

Một điều nữa mà tôi hết sức quan tâm là “người thân” ở đây không nhất thiết là máu mủ ruột thịt hay các mối quan hệ mang lại lợi ích. Ví dụ như là hàng xóm trong khu chung cư. Vào kì nghỉ hè thời Liên Xô, đi nghỉ mát dài ngày ở khu điều dưỡng được cơ quan chuẩn bị cho là thú vui quốc dân, và những lúc như thế người ta có thói quen gửi chìa khoá cho nhà hàng xóm. Trong thời gian vắng nhà, nếu có chuyện cần phải xử lí trong nhà thì họ sẽ điện thoại và nhà hàng xóm vào nhà giúp. Tôi không hiểu lắm việc người Nga chẳng mấy tin tưởng người ngoài nhưng lại dễ dàng giao lại chìa khoá mà đi như vậy. (Trong cuốn sổ tay phát cho người Nhật sinh sống ở Nga của ĐSQ Nhật còn có đoạn lưu ý “Tuyệt đối không giao lại chìa khoá nhà cho hàng xóm”!)

Vậy việc họ đối xử tốt với người thân có nghĩa là, nếu anh được đối xử như một người thân thích với ai đó, anh cũng phải đối tốt hết mực với người ta. Người ta muốn anh phải xả thân hết sức cho gia đình hay bạn bè trong những dịp như sinh nhật, ma chay hiếu hỉ, hay những lúc khó khăn thường ngày. Nghe thì có vẻ hơi giống giới “giang hồ” ở Nhật. Bản thân tôi cũng không bắt nhịp được với kiểu quan hệ xã hội gần gũi như vậy ở Matsudo quê tôi, nên cũng khó có thể nói rằng tôi thấy thân thuộc với xã hội Nga được (cũng là một lí do mà tiếng Nga của tôi không được tốt).

***

*Tác giả: Koizumi Yuu hiện là giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học kĩ thuật tiên tiến thuộc Đại học Tokyo; sinh năm 1982 tại tỉnh Chiba; tốt nghiệp thạc sĩ khoa Nghiên cứu Chính trị học tại ĐH Waseda; chuyên ngành Quân sự & Chính sách an ninh Nga.

*Lời người dịch: Nội dung cuốn sách là quan điểm cá nhân của tác giả, không phản ánh quan điểm của người dịch.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời