Tình cảm của con người không phải tự nhiên mà có được. Thực ra bởi vì ngoại cảnh tác động nên mới sinh những tình cảm đó vậy. Tình càng chân thật thì sức lay động lòng người càng lớn. Có thể vì lẽ đó mà những trước tác của Nguyễn Du tồn tại lâu đến thế. Sinh thời, Nguyễn Du phải chịu nhiều cảnh trái ngang, cực khổ, niềm thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh lại càng mãnh liệt. Đồng cảnh khắc sinh đồng cảm, lẽ thường là thế. “Độc Tiểu Thanh kí” phải chăng là một minh chứng rất rõ cho điều nói trên, mà theo như ai đó đã nhận xét, “Nguyễn Du đã mượn chén của người để rót rượu của mình”?


“Độc Tiểu Thanh kí” cho đến ngày nay vẫn còn được tranh cãi. Về Tiểu Thanh, nàng là người con gái tài sắc vẹn toàn, sống ở đầu thời Minh. Nàng mang nét phong lưu, cầm kì thi hoạ đều tinh thông, nhưng số phận lại bất hạnh. 16 tuổi, Tiểu Thanh làm lẽ một người họ Phùng. Không chịu cảnh lấy chồng chung, người vợ cả ghen ghét, đày đoạ Tiểu Thanh, bắt nàng sống cô đơn trên núi Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Quá đau khổ, uất ức, tâm trí rối bời, nàng chết khi mới 18 tuổi xuân. Bao nhiêu những sáng tác văn chương của nàng bị người vợ cả đem đốt đi hết, chỉ còn sót lại một số bài, đời sau chép lại mà khắc in, gọi là Phần dư (Bị đốt còn sót lại). Một số tài liệu cho biết, “Tiểu Thanh kí” chính là tập di cảo của Tiểu Thanh gồm một số bài thơ còn sót lại trong tập thơ của nàng. Không ai biết chính xác những thông tin cơ bản về “Độc Tiểu Thanh kí”. Bài thơ xuất hiện khi nào, hoàn cảnh ra đời là gì còn chưa ai rõ. Có người cho rằng bài thơ viết khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc, do vậy nên đưa vào “Bắc hành tạp lục”. Cũng có ý kiến nói bài thơ viết trước khi tác giả đi sứ, nên đưa vào “Thanh Hiên thi tập”. Còn một luồng ý kiến nữa là bài thơ viết sau khi nhà thơ sang Trung Quốc, nằm trong “Nam Trung tạp ngâm”. Nhưng xét thấy, thời gian và địa điểm sáng tác bài thơ không quan trọng cho lắm, bởi ý nghĩa bài thơ mới chính là cốt lõi của tư tưởng. Toàn bài là một dòng cảm xúc nhiều điểm nhấn. Sở dĩ ta nói Nguyễn Du “mượn chén của người” là vì thi nhân đã gợi lại câu chuyện bi thương của Tiểu Thanh, xót xa cho số kiếp nàng mà cảm tác. Nhìn người lại nghĩ đến ta, Nguyễn Du không chỉ thương Tiểu Thanh mà còn nghĩ về số phận mình với một khao khát cháy bỏng là tìm kiếm tri âm. Vậy có thể coi “chén” như phần cốt, còn “rượu” mới chính là phần hồn của thi phẩm này, như việc nhìn ngắm chén không thôi thì chẳng thể nào say, cho đến khi nhấp rượu mới thực ngấm vị cay nồng.
Hai câu đề và hai câu thực là nỗi lòng, là tiếng khóc của Nguyễn Du trước số phận người con gái tài hoa bạc mệnh, và có thể cả cái đẹp nói chung. Mở đầu là một quang cảnh khiến lòng người se thắt:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Tây Hồ là cảnh đẹp, vườn hoa là cảnh đẹp. Đây là nơi xưa kia Tiểu Thanh từng sống. Chỉ có điều, cái đẹp thì chóng tàn, giờ đây tất cả những cảnh kia chỉ là hoài niệm quá vãng, còn lại một bãi đất hoang hoải, không ai đoái trông mà thôi.Trong thơ ca luôn chứa thi nhạc. Vì lẽ nào đó, thi nhạc lại làm người ta thấy đau. “Tẫn” là toàn bộ, là hết, không còn gì nữa; “thành” là biến ra, trở nên; “khư” là thành quách bỏ hoang, xóm làng bỏ hoang, mang vẻ tang tóc, quạnh quẽ, cô liêu. Từ thanh trắc nặng là “tẫn”, rồi thanh huyền là “thành”, kết thúc bằng thanh ngang “khư”, dường như là một quá trình tàn lụi dần theo năm tháng, chậm nhưng đủ để ai cũng nhận ra. Chữ “khư” kéo dài vang lại một thanh âm kì lạ như xoáy sâu vào tâm can. Mấy trăm năm tựa thoáng chốc, hoa xưa kia cũng hoá khói sương. Bụi thời gian phủ lên những gam màu tươi sáng một vẻ u ám đến nao lòng, sao cho khỏi đớn đau lòng thi nhân? Vẻ đẹp, nét trinh nguyên, tươi tắn, rực rỡ của cỏ hoa trong quá khứ khơi dậy biết bao nhiêu niềm vui, sự hứng khởi, lòng say mê, ngưỡng mộ của Nguyễn Du thì khiến cho ông xót xa, thương cảm bấy nhiêu khi thấy vẻ tiêu điều nơi ấy. Đồng cảm nhường ấy nên cuộc tri ngộ của Nguyễn Du và Tiểu Thanh cũng thật đặc biệt:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Như đã nói, đồng cảnh tức sinh đồng cảm. Trước Tiểu Thanh sống lẻ bóng nơi Tây Hồ, nay Nguyễn Du viếng nàng cũng chẳng có nổi người thứ hai. Người viếng mộ hay người nằm dưới ba tấc đất đều cô độc, đều thiếu vắng một kẻ tâm giao. Nỗi cô đơn lúc này không phải vì chỉ có một mình, một mình chưa hẳn đã cô đơn. Chỉ vì đã trót nặng lòng với văn chương mà luôn cần đến tri âm để khoả lấp khoảng trống trong lòng. Người tìm đến với người qua song cửa. Cảnh vừa thực vừa hư, vừa hiện rõ trước mắt vừa lờ mờ hư ảo. Hậu thế đọc bài thơ này, tưởng tượng đến một con người ngồi bên song, mở cuốn sách duy nhất còn sót lại của người đã khuất. “Nhất chỉ thư”, ghi dấu của Tiểu Thanh chỉ còn vậy thôi, bởi thế nhân tàn độc đã phá huỷ nghiệt ngã một nét đẹp của đời. Từ cảnh đến tình đều đắng cay. Có khi nào cánh cửa kia không phải là thực? Nó có thể là cánh cửa giữa hai thế giới, sinh tử không còn là chướng ngại, hai thế giới giao nhau chỉ bằng “tình”. Nguyễn Du bày tỏ khát vọng vượt qua không gian, thời gian để tri kỷ tận cùng với nỗi lòng cổ nhân. Thời nào cũng thế, người ta vẫn tìm kiếm cuộc giao ngộ tâm linh cho mình. “Mệnh bạc hữu duyên lưu giản tịch”, mệnh bạc vẫn còn duyên lưu lại với sách, âu cũng là điều may mắn với Tiểu Thanh. Sách còn ở đây tức là hồn còn cơ hội gặp gỡ tri âm.
Hai câu thực cộng hưởng, hô ứng với nhau về nghĩa nhờ phép đối, tất cả để nói lên số phận bi thương của Tiểu Thanh:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư

Son phấn là thứ dành cho phụ nữ làm đẹp về nhan sắc, cho ngoại hình thêm ưa nhìn. Nhưng son phấn kia lại có thần thái, có vẻ đẹp bên trong. Người con gái kia mang vẻ đẹp toàn diện từ sắc cho đến thần. Nàng mang nội tâm phong phú, có chiều sâu, khiến người đời sau vương vấn, tiếc thương, yêu mến nàng. Càng yêu, càng tiếc càng thấy đời quá bạc, tâm trạng càng thêm ảm đạm não nề. Nàng không đáng sống cuộc đời như thế, chết một cách bi thảm như thế. Tuổi nàng còn đang độ xuân xanh, vậy mà “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Nghiệt ngã quá, một nỗi oan khiên thấu trời xanh mà không biết kêu ai! Văn chương kia, người đời lại cho là vô tri vô giác. Không phải tao nhân mặc khách, nào ai biết văn chương cũng sống? Chỉ có điều chúng sống khi chủ nhân những trước tác còn sống, người chết đi rồi, liệu hậu thế có nhớ đến chăng? Nguyễn Du là một thi nhân mà còn cay đắng nói văn chương “vô mệnh”. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, sao đời dành cho văn chương ánh mắt quá đỗi vô tình, vô cảm? Lời thơ như chì chiết, trách móc, dằn vặt cuộc đời: văn chương không có linh hồn mà còn mang nợ trần thế, vậy người con gái tài sắc nhường ấy có thể làm khách lãng du bước qua cuộc đời bằng sự thanh thản không? Thương cho một con người khi sống, rồi khóc cho một linh hồn đã chết, ta chợt nhận ra Nguyễn Du đã đưa đến quy luật cay độc của đời. Hoa uyển là cảnh đẹp, Tiểu Thanh là người đẹp, văn chương là giá trị tinh thần đẹp, cuối cùng cũng chỉ chịu chung một cái CHẾT, không hơn. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã viết:

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Ta liên tưởng tới Tản Đà khi viết “Thăm mả cũ bên đường”:

Hay là thuở trước khách hồng nhan
Sắc sảo khôn ngoan giời đất ghen
Phong trần xui gặp bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn

Từ chuyện của Tiểu Thanh, Nguyễn Du nói đến mình, nói đến những con người cùng cảnh ngộ. Người đưa ra những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời bằng “cặp mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời”:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư

Hận và oan thường được sử dụng trong văn cổ. Người xưa dùng những chữ này để thể hiện bản ngã. Hận là nỗi buồn day dứt vì chẳng thể làm được điều mình mong muốn, nỗi đau tột cùng không thể giải toả, không thể sẻ chia vì những giá trị cao đẹp bị lãng quên, bị phí hoài, bị vứt bỏ. Oan là sự ý thức của cổ nhân về các giá trị bị chà đạp, bị kết tội một cách vô cớ, vô lí. Trong thơ mình, Nguyễn Du thể hiện nỗi đau đứt ruột xé lòng trước những đau khổ, bất hạnh về tâm và thân của những giai nhân tài tử rơi vào cảnh đời ngang trái, bởi “tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Nỗi đau, nỗi oan của con người, niềm uất hận của những bậc kì tài tuyệt sắc trong thiên hạ xưa đã có, nay vẫn có và có lẽ mãi mãi không bao giờ hết được. Hỏi trời mà trời không đáp, hay trời cao quá nên không màng tới sầu nhân thế? Bởi trời không đoái hoài nên “Mĩ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”? Phải chăng vì thơ hay nên đời khổ? Phải chăng vì đời khổ mà thơ hay? Tài mệnh tương đố không phải chỉ có ở một thời. Nó là câu hỏi chưa có lời giải đáp ở muôn đời. “Xanh kia thăm thẳm tầng trên / Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” Quả là “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khi nào còn những nỗi oan thì còn những mối hận. Oan này là kì oan vì mang vào mình nết phong nhã mà thôi (“Phong nhã” là hai thiên trong Kinh thi – Quốc phong, Đại nhã và Tiểu Nhã – về sau nhân đó gọi văn chương thơ phú là phong nhã). Cảm xúc trong câu thơ chua chát, cay đắng, ngậm ngùi bất khả kháng, muốn vô tình cũng chẳng được. Mang cái tài chính là mang mầm mống khổ đau, mang bản án định mệnh phũ phàng. Nguyễn Du nhận thấy mình là kẻ có tài, “Tráng niên ngã diệc vi tài giả”, đời cũng lắm trớ trêu như ai. Người từng lưu lạc khắp đất Bắc, chịu đói rét, khổ cực suốt “thập tại phong trần”. Người nhìn ra trong nỗi đau của thiên hạ có nỗi đau của chính mình. Nước mắt khóc nàng Tiểu Thanh như một lời ai điếu cho mọi kiếp tài hoa bạc mệnh bỗng trở thành dòng lệ thương thân. Theo dòng lệ ấy, xúc cảm chảy tràn, ý thức bản thân đã khiến Nguyễn Du đưa hình ảnh bản thân vào trong thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Thấp thoáng trong hai câu kết bóng dáng từ “Độc điếu”. Người muốn hỏi thế gian không biết ba trăm năm lẻ nữa có người nào dưới gầm trời này khóc thầm cho mình giống như cách người đang khóc tiền nhân. Người xưa luôn trăn trở, day dứt, băn khoăn về hậu sự. Ba trăm năm lẻ kia có thể là một con số ước lệ cho khoảng thời gian dài, có thể tương đồng với khoảng cách từ thời Tiểu Thanh đến thời Nguyễn Du, có thể tương ứng ba đời hương khói của con cháu. Quan trọng là từng ấy năm sau nữa có ai nhớ đến “ta”? Khi những ràng buộc kia nhạt dần, ta còn sống trong lòng hậu thế chăng? Người cho mình cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, là người tạo ra cái đẹp cho đời. Vậy là hơn cả những lo âu kia, Nguyễn Du đang khát khao tìm kiếm tri âm, khát khao trường tồn, bất tử hoá cái đẹp. Tri âm là người hiểu bạn như hiểu mình, biết bạn như biết mình. Thiên hạ rộng lớn, tìm đâu ra kẻ đối với ta như Bá Nha, Tử Kỳ? “Đại thiên thế giới giai bằng hữu / Dục mịch tri âm nan thượng nan”, có thể cả đời này người ta cũng không chắc kiếm nổi một tri âm. Trong tâm luôn còn một khoảng trống vắng, “ta” chỉ mong có tri âm để khoả lấp. “Ta” cô độc vì thiếu người hiểu mình, chứ thế gian này không thiếu bạn tốt. Chẳng phải vì kiếm tri âm thật khó nên thật quý, tới mức có thể chết vì người ấy? Chẳng phải thật khó nên con người ta cứ mãi khát khao, dù biết có khi là mộng tưởng không thành? Trước sau tri kỷ có mấy ai đâu, vì thế mà Nguyễn Du chỉ hỏi “hà nhân?”, chỉ cần một ai đó thấu nỗi lòng này thôi, chẳng cần số đông cũng đã mãn nguyện rồi. Chưa cần đến lệ đổ thành dòng, chỉ đau cùng nỗi đau thôi cũng làm “ta” nguôi ngoai. Câu hỏi khiến lòng người se thắt, tựa hồ có vết dao cứa vào tâm can. Tới lúc này, rượu trong chén đã khiến người ta say mất rồi.
Tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Du đối với người phụ nữ nói chung và những người tài tử nói riêng không phải chỉ xuất hiện ở “Độc Tiểu Thanh kí”. Ai cũng hiểu người đã trân trọng, ngợi ca Kiều đến nhường nào và xót thương cho số phận liễu yếu như Đạm Tiên bao nhiêu, bồi hồi, ngậm ngùi cho nàng Cầm ở Long Thành đến đứng ngồi không yên và thở dài cho bao kẻ màn loan trướng huệ. Tuy không trực tiếp lên án nhưng ẩn chưa trong thơ vẫn là lời tố cáo xã hội phong kiến nhiều sự tàn ác, chà đạp lên phẩm giá con người.
“Độc Tiểu Thanh kí” không chỉ mang giá trị nhân đạo mà con mang giá trị nghệ thuật. Phong cách cổ thi, ý tại ngôn ngoại, bài thơ thật sự cô đọng, hàm súc, kết hợp với thi nhạc nhờ bằng trắc kết hợp uyển chuyển, cả bài thơ là bản nhạc mang giai điệu trầm buồn, sâu lắng. Cách gieo vần, những biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ và đặc biệt là câu hỏi tu từ cuối bài trở thành điểm nhấn khó phải trong lòng người đọc.
Mộng Liên Đường chủ nhân đã khẳng định: “Người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy.” Cảm phục trước tấm lòng Nguyễn Du, ta càng thêm trân trọng những tác phẩm lưu dấu ấn cả trăm năm như “Độc Tiểu Thanh ký”.

KP (2015)


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời