Người bình phẩm về “Tam quốc diễn nghĩa” có nhiều, nhưng bình sách sau 15 năm bể dâu làm fangirl Tam quốc, kinh qua hàng tá tác phẩm phái sinh như tôi thì chắc không đâu ^^
Đây không phải một bài bình sách nghiêm túc, tôi sẽ còn chỉnh sửa nhiều lần, hãy đón đọc!
Thông tin chung về “Tam quốc diễn nghĩa”
1. Tác giả
La Quán Trung (thời Minh)
2. Tiểu thuyết chương hồi
La Quán Trung viết diễn nghĩa tổng cộng 120 hồi, bản chúng ta hay đọc ở Việt Nam là bản có lời bình của Mao Tôn Cương.
Lưu ý rằng đây là tiểu thuyết, dựa trên “Tam quốc chí” của Trần Thọ (chính sử) và những câu chuyện kể dân gian. Do vậy, nếu bạn coi đây là chính sử rồi mê, mê quá sau lại phát hiện ra không phải sự thật, cảm thấy bị phản bội thì là lỗi ở bạn chưa tìm hiểu kĩ nhé =]]
3. Nội dung
Quan điểm sáng tác
Quan điểm của tác giả là “Ủng Lưu phản Tào”, bias của tác giả cũng như rất nhiều Nho gia hậu Tam quốc là Gia Cát Lượng nên cũng khó tránh việc tập trung thời lượng vào nhân vật này cùng tập đoàn chính trị Quý Hán (Thục Hán) của Lưu Bị.
Tóm tắt cốt truyện
- Quần hùng tranh bá Kể về sự hình thành và phát triển của các chư hầu nổi dậy sau khi triều đình Đông Hán bắt đầu có dấu hiệu mục ruỗng. Một số chư hầu nổi danh thời kì này có thể kể đến Đổng Trác, Lữ Bố, Viên Thiệu, Tào Tháo, Viên Thuật, Trương Tú, Trương Lỗ, Mã Đằng, Tôn Kiên (sau có con cả nối nghiệp là Tôn Sách), Lưu Biểu, Lưu Chương, Công Tôn Toản. Trong thời kì đầu, Lưu Bị lần lượt phục vụ cho một số chư hầu nổi danh để tìm kiếm cơ hội hình thành thế lực riêng. Giai đoạn này kết thúc khi Tào Tháo diệt được thế lực Viên Thiệu.
- Đại chiến Xích Bích Trận chiến có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình thế “tam phân thiên hạ”. Phần này được xác định từ khi Tào Tháo lên kế hoạch tiêu diệt thế lực họ Tôn ở Giang Đông cùng sự xuất hiện của 2 mưu sĩ nổi danh là Ngoạ Long-Phụng Sồ. Đây cũng là thời kì có nhiều giai thoại trong dân gian được đưa vào tiểu thuyết nhất.
- Tam phân thiên hạ Có thể tính từ lúc Lưu Bị đưa quân vào Xuyên (chiếm Ích Châu) và Tào Tháo tiêu diệt các thế lực còn lại ở phía bắc. Sau khi Lưu Bị làm chủ Ích Châu và Tào Tháo lên ngôi Nguỵ vương, 2 bên đã có trận chiến quyết định là trận Hán Trung. Tào Tháo qua đời, Tào Phi soán ngôi thiên tử, lập ra nhà Nguỵ, nhân đó quần thần khuyên Lưu Bị xưng đế. Thế chân vạc chính thức hình thành.
- Nam chinh Bắc phạt Sau khi Lưu Bị qua đời, truyện tập trung vào hai chiến dịch lớn nhất của Gia Cát Lượng là bình định Nam Trung và tấn công Tào Nguỵ. Thời kì này đáng chú ý với sự nổi lên của Tư Mã Ý và những trận đấu trí trên chiến trường giữa hai phe Thục Hán-Nguỵ. Tôn Quyền cũng xưng đế trong giai đoạn này, được chính quyền Thục Hán công nhận và giữ quan hệ hữu hảo.
- Tam quốc quy Tấn Giai đoạn cuối của thời Tam quốc, khởi đầu được đánh dấu bằng sự ra đi của Thừa tướng Gia Cát Lượng. Trong những năm cuối, thiên tử của 3 nhà có chung số phận là bị hoạn quan, hoàng tộc hoặc quyền thần kìm hãm (Nguỵ có Tư Mã gia, Thục có hoạn quan Hoàng Hạo, Ngô có Gia Cát Khác). Tuy vậy, điểm sáng thời kì này chính là Khương Duy (người được coi là truyền nhân của Gia Cát Lượng), Đặng Ngải (tướng Nguỵ), Chung Hội (tướng Nguỵ nhưng có dã tâm chiếm đất Thục cho riêng mình). Sau gần 100 năm, cuối cùng họ Tư Mã đã cướp ngôi nhà Nguỵ, diệt Thục và Ngô, mở ra triều đại mới.
Cảm nhận về “Tam quốc diễn nghĩa”
Ưu điểm
Văn phong của diễn nghĩa rất dễ hiểu, chủ yếu là truyện kể nên câu thoại ngắn, ít đi sâu vào miêu tả. Có thể nói sự phức tạp của diễn nghĩa không phải do văn chương mà do bản thân thời kì này có quá nhiều nhân vật cùng nổi dậy, để tổng hợp được nhiều nhân vật vào trong một cuốn tiểu thuyết như việc lão La làm không phải dễ. Những câu thoại vô cùng sinh động, chỉ đọc thôi cũng tưởng tượng được tính cách của từng người không ai giống ai, lại có thể gắn kết các nhân vật với nhau trong một bức tranh lớn thời Tam quốc, quả thực không thể không thán phục La Quán Trung. Đừng có nói với tôi là bạn biết đến Tam quốc qua wiki hay đọc Tam quốc chí khi một chứ Hán bẻ đôi không biết rồi chửi diễn nghĩa không ra gì. Không có diễn nghĩa làm cảm hứng hay động cơ sáng tác thì rất nhiều tác phẩm phái sinh không dễ mà có sức hút đến thế =]]
Nhược điểm
(1) Do tính chất thời đại, 2 nhân vật lớn của Tam quốc là Tào Tháo và Lưu Bị được mô tả theo hai hướng thiện-ác một cách cực đoan. Ở đây tôi không có ý nói kiểu “Lưu Bị cũng làm việc ác” và “Tào Tháo không tệ đến vậy”, ý tôi là hình tượng thực tế trong lịch sử của 2 người họ nhiều chất anh hùng hơn nhiều, lãng mạn hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều. Tất nhiên, sau khi đọc diễn nghĩa tôi cũng không nghĩ về Tào Mạnh Đức như một phản diện thuần tuý, cũng không thấy Lưu Huyền Đức là kẻ chỉ biết lấy nước mắt thu phục nhân tâm, nhưng nếu được thì tôi vẫn muốn thấy nhiều khía cạnh khác của họ hơn.
(2) Sự thần thánh hoá hình tượng Gia Cát Lượng: Cái này thì hơi khó trách lão La, vì Gia Cát thừa tướng quả thực làm được nhiều việc không tưởng khiến dân chúng thêu dệt rất nhiều giai thoại, mà công nhận là rất cuốn đi =]] Thời xưa đọc xong diễn nghĩa, kiểu gì các bác chẳng mê Thừa tướng xong lên mạng va phải một rổ thuyết âm miu. Hồi nhỏ tôi đọc thấy vừa sợ vừa tò mò, sau đọc thêm chính sử, thấy mấy thuyết đó cũng được, nhưng k thuyết phục mấy, chính ra fic hắc hóa các nhân vật của fangirl còn hay gấp bội 😂
(còn nữa)
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7
Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/
Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/
Đọc thêm về Tam quốc: https://phanthuha.me/category/tam-quoc/