Cảnh báo: Rất rất dài. Nếu các bạn có điều gì muốn chia sẻ, hãy để lại comment cho mình nha!
Rap Việt đã đi qua mùa đầu tiên với ngôi vị quán quân thuộc về Dế Choắt.
Với nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, không có một ranh giới nào ép buộc chúng ta phải yêu thích theo số đông. Một bài nhạc top trending không có nghĩa là nó được tất cả mọi người đón nhận, một quán quân không có nghĩa là ai cũng đồng tình. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đối với cá nhân mình – một người luôn đề cao khả năng tận dụng lợi thế về sử dụng ngôn từ của các rapper, chiến thắng của anh Dế là một sự thoả mãn tột cùng, dẫu trước đó có rất nhiều thí sinh khiến mình ấn tượng.
4 bài thi của Dế Choắt qua 4 vòng đem lại cho mình 4 cảm xúc khác nhau. Ở vòng đầu, chỉ mấy chữ cuối bài “Tổ quốc ghi công” đã làm mình phải chững lại bởi cảm xúc được truyền tải qua giọng của Dế. Ở vòng 2, có lẽ mình không ấn tượng với bài nhạc của Dế và B:Okeh bằng thái độ “gà mẹ” của anh Wowy. Tới vòng 3, có lẽ với nhiều người những từ ngữ Dế đưa vào bài nhạc không đem lại nhiều xúc cảm, còn với mình thì sự ngạo nghễ che giấu dưới vẻ khiêm nhường của Dế là thứ khiến mình replay bài nhạc ngày này qua ngày khác, cũng như phải chờ đợi cảm xúc chùng xuống để viết về nó với đủ lí trí như những gì các bạn sắp đọc dưới đây. (Về bài Sẻ Dâu, chắc mình sẽ bàn sau ở một post khác …)
***
PHẦN 1: Long lanh/ Lấp lánh/ Kiêu xa
Ngay khi vào bài nhạc, ba tính từ long lanh, lấp lánh, kiêu xa vang lên cùng với khung cảnh mây khói trên sân khấu đã đưa người nghe đến với hình ảnh của bậc đế vương. Vốn dĩ từ kiêu xa là để chỉ thói ăn chơi quá độ theo cung cách phảng phất hoàng tộc, nên câu đầu tiên này vừa giống như đảo ngữ để nhấn mạnh tính chất của những sự vật xuất hiện ở vế sau, vừa giống như câu cảm thán người đời thốt lên khi nhìn thấy vị vua bước đến. Những long bào, những châu báu, những đồ gấm thêu hoa rực rỡ cho thấy nhân vật chính không phải một kẻ chỉ có tiếng tăm mà còn muốn phô trương vẻ cao ngạo đó ra ngoài.
Những miêu tả của Dế Choắt dành cho vị vua rõ ràng thêm một bậc. Ngôi cao kia không phải do ai ban phát là chính bản thân vị vua giành lấy, thể hiện qua từ xưng. Xưng hùng xưng bá là việc chỉ có kẻ mạnh mới làm được. Ở đây ta thấy ngai vàng được nhắc đến, rực rỡ đến mức thu hút hết ánh nhìn chốn nhân gian. Giữa nơi phàm trần, ngôi cao lại càng mang vẻ cao quý nhưng phảng phất sự xa cách với cả giang sơn ngoài kia.
Đến đây, đại từ nhân xưng Ta đã xuất hiện. Điều đặc biệt ở đây là Ta không xuất hiện cùng cảnh vàng son khi nãy mà gắn liền với một ý rất thơ. Chính vì ở trên ngôi cao, Ta mới thấu hiểu được những điều lãng mạn qua thi ca bằng đôi tai con mắt của mình. Vị vua đứng trước vẻ đẹp của nghệ thuật cũng trở nên khiêm nhường, thả hồn trôi theo nhạc và viết những tứ thơ của riêng mình. Đắt giá nhất trong đoạn này là từ nôm na. Nôm na chỉ một lối diễn đạt không cầu kì hoa mỹ, không bóng bẩy câu nệ mà trái lại, gần gũi với thường dân, giản dị trong câu chữ như đời sống hằng ngày. Phải chăng chính sự rung động đầy tinh tế của Ta đã khiến tiếng tăm vang khắp bốn bể, để rồi con đường mà nhà vua đi tuy gian nan và cô độc luôn song hành nhưng vô cùng đáng giá bởi ai ai cũng đều bày tỏ sự kính trọng hết mực khi nhắc tới tên vua?
Nếu bốn câu trên ta thấy phép điệp từ “một” được sử dụng để đưa người đọc đến với giang sơn mênh mông bát ngát của vị vua về không gian thì ở đây ta có được mường tượng về thời gian. Bao đời, muôn thưở, xa xăm đều là những từ chỉ thời gian không hạn định và không đo đếm được, đặc biệt từ xa xăm còn chỉ sự chìm đắm trong một suy nghĩ, một kỉ niệm trong quá khứ. Hình ảnh vị vua đứng ngắm nhìn muôn vật từ trên cao và tự hào khẳng định cốt cách của mình: không ngả nghiêng thiên vị – công bằng, xứng với danh xưng tốt đẹp đang có – chân chính. Với những phẩm chất đó, không bất ngờ khi nhân vật chính của câu chuyện lựa chọn sự kiên định trong cách sống, tự mình quyết định số phận của mình qua phép đối.
Chúng ta lại gặp thêm một phép điệp nữa với từ “Ai”. Ba câu hỏi là ba lời nghi vấn trong lòng nhân vật chính về những mối giao tình trong đời. Hờn-oán-căm là những kẻ ngoài kia luôn ganh ghét đố kị mãi vẫn không buông bỏ được thù hận quá khứ; thương-nhớ-mong là những người thân luôn tha thiết đợi ngày hội ngộ; chờ-ngóng-trông là biết bao người tin tưởng vào ngày mai sẽ có ai kia ca khúc khải hoàn khi trở về chốn cũ.
Đây là một trong những đoạn đắt nhất của bài, thể hiện khí khái và cái tầm của kẻ xưng vương. Thái độ sống có trước sau được thể hiện theo từng cặp câu xoay quanh điệp từ “không quên”. Đọc hai câu đầu tiên, người viết có liên tưởng đến câu nói của Del Piero: “A true gentleman never leaves his lady” – một quý ông đích thực sẽ không bỏ rơi bà đầm già của mình. Bản chất trọng nghĩa của bậc đế vương thực sự là thái độ này. Khi lên đỉnh vinh hoa, thường người ta sẽ quên những người xưa kia đã vào sinh ra tử vì mình. Những ai là “trăm năm / tri kỷ”? Những ai là “ân tình”? Tất cả đều không rõ, chỉ biết vị vua đã không dành cho họ một danh từ nào cụ thể mà gọi tên bằng những mối giao tình xưa, kể cả những con người thiện lành từng gặp chỉ đôi ba lần trong đời cũng được nhớ đến. “Ta” còn gợi lại những cô đơn, gian truân trên đường đời, những khó khăn, được mất trước khi đến được với thành công trong 4 câu cuối để nói về lòng biết ơn với quê hương xứ sở.
Nếu tất cả những đoạn trên là kí ức mà vị vua kể lại cho người đọc hình dung về mình, thì ở đây, từ “nay” đã kéo chúng ta trở về với hiện thực, với một con người bằng xương bằng thịt trước mắt, vừa nhẹ nhàng vừa thản nhiên nhắn nhủ người đời. Đỉnh cao vinh quang đã trải, hơn thua được mất đã qua, “Ta” trao lại ngôi cao cho tương lai, cho thế hệ sau, cho những ai mới tới để học được bài học đường đời.
Trong đoạn này có một câu nói mà ai từng đọc qua “Thép đã tôi thế đấy!” của Nikolai A. Ostrovsky đều có thể liên tưởng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí.” Lật lại những bài báo đặt dấu chấm hỏi cho câu nói “trending” trong “Phiêu lưu ký”, người viết thật sự không cảm thấy công tâm, bởi nếu ai từng đọc qua lịch sử sẽ hiểu rõ câu nói được trích dẫn trên kia đã trở thành “trending” cho cả một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vậy thì cần phải khẳng định một lần cho tất cả những ai còn thắc mắc: Dế Choắt không những không lạc đề, mà còn vào đề rất mượt là khác!
Sẽ không ngoa nếu nói rằng khi bốn câu hát này được cất lên thì người nghe phải sững người vì chất “vua” của Dế Choắt được thể hiện qua từng khung hình, từng âm giai tiết tấu. Thật khó để lí giải đúng điều Dế muốn nói, nhưng đó là cái quyền bé mọn của những kẻ viết phê bình đúng không?
Những nỗi buồn thương sầu hận trước kia vị vua coi nhẹ tựa lông hồng, bàn chân dẫu mỏi nhưng “bước” là qua. Năm tháng phong trần in hằn trên nét mặt cũng bay qua như mây khói. Người còn lại gì sau từng ấy gian truân? Là “ngọc ngà”, là những gì tinh tuý ở lại, là tất cả những điều tốt đẹp nhất muốn gửi tới đời sau. Đặc biệt ở đây có hai chữ “khù khờ”. Điều đẹp đẽ nhất trong nhân cách của “Ta” chính là giữ được tâm sáng, giữ được sự khiêm nhường đằng sau vẻ quyền uy, khù khờ vì tất cả chúng ta đứng trước cuộc đời, đứng trước tương lai đều như những đứa trẻ non nớt, dẫu ta nghĩ mình hiểu đời đến bao nhiêu đi chăng nữa. Vậy câu cuối là lời của ai? Lời của thiên hạ hay chính là dư luận đã công nhận người là một vị vua? Hay là lời người tự nói với mình về những chiến công hiển hách đã đạt được sau bao năm bôn ba trường đời?
PHẦN 2: Mời ngài/ Lên ngôi
Đọc những câu trên, người viết bỗng hiện lên trong đầu những tư tưởng của nhà Phật. Đời người vốn khổ vì quẩn quanh với những hơn thua được mất, những tranh cãi thiệt hơn mà không biết rằng khi ta biết “buông” là khi ta biết cách diệt khổ. Cuối cùng ai cũng sẽ nằm xuống, không giữ được vinh hoa, chỉ để lại kí ức, vậy thì có nhất thiết phải đem sân si đối đãi với đời để sung sướng giây lát không, hay chính chúng ta có thể sống bình tâm mà tận hưởng những điều đẹp đẽ của kiếp nhân sinh trước khi nhắm mắt xuôi tay?
Có lẽ khó khăn nhất trên đời là sửa mình chứ không phải khiến người đời thay tâm đổi tính. Sống mà không thẹn với lòng, sống để tâm không xao động trước bão tố cuộc đời, trước gánh nặng mưu sinh mới là nan đề của kiếp người. Sửa mình rồi, lại phải cố giữ mình đừng ghen ghét đố kị, đừng đánh giá tha nhân, biết người biết ta để không chạy theo kẻ khác cũng không tự cao háo thắng. Những việc trên có lẽ cần rất nhiều thời gian để mỗi người chúng ta ngộ ra mà thay đổi mà sống thuận hoà với những gì con Tạo đã ban.
“Ta” tiếp tục kể lại quá khứ của mình, về những danh vọng và thất bại đã qua mà không hề có chút oán than. Sự bình thản ấy chính là thứ khiến “Ta” trở nên khác biệt, thôi thúc người đem cái Đẹp đến với đời. Đi qua những năm tháng đỉnh cao danh vọng rồi rơi xuống tận cùng của sự ê chề, người ta sẽ biết đâu là đủ. Giàu sang hay không giàu sang miễn tâm ta thấy đủ là vinh quang sẽ luôn nằm ở phía trước. Còn biết bao người vẫn chờ đợi một ai đó dẫn họ ra khỏi đêm tối để thấy không gian bao la bát ngát ngoài kia. Người đó có thể là ai ngoài kẻ đã nếm hết những thăng trầm rồi sau đó giữ lại trên thân mình những vết xước để ghi nhớ, để nhắc nhở bản thân về chân giá trị? Cốt cách ấy, khí phách ấy chính là nhờ hai chữ “Nhân hoà”. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà – ba yếu tố tạo nên thắng lợi theo quan niệm xưa – thiếu một thì sẽ khó thành công. Nhưng trong ba yếu tố đó, chỉ có nhân-hoà là thứ chúng ta kiểm soát được. Thuận theo nhưng không bị cuốn trôi, hoà hợp nhưng không tan biến, đấy là bản lĩnh mà hiếm ai có được.
Vị vua của chúng ta đã nhắn nhủ với đời sau những bài học quý giá từ hành trình đến vinh quang của bản thân. Bỏ lại sau lưng tất cả những ngập ngừng, xao động, e dè, người đã quyết định lên đường đi tìm Cái Tôi, tìm con người thật của mình theo tiếng gọi của con tim, của nhiệt huyết dâng trào trong từng mạch máu. Hình ảnh cánh buồm ra khơi đem lại cho người nghe một cảm giác vô định nhưng đầy hoài bão lớn lao phía trước. Sóng gió sẽ tôi rèn ý chí của kẻ xông pha, cô độc sẽ luyện cho bền gan người dám bỏ hư vinh tìm chốn bình yên, để kết lại bài nhạc với bốn chữ đắt giá:
Ngai vàng giờ đây không còn là ngai vàng của danh vọng, của thắng lợi vẻ vang, của khao khát cháy bỏng muốn được đứng trên muôn người nữa. Vị vua đã làm chủ được cuộc đời mình, đã nghe thấy – không phải từ bất kì ai mà từ trong tâm can – lời nói như củng cố niềm tin bản thân, tin rằng trên chặng đường đời còn lại “Ta” sẽ là kẻ duy nhất hiểu được mình, dẫn mình đi qua bao thử thách cam go phía trước mà không hề chùn bước, bởi người xứng đáng với sự cao ngạo đó.
˜Kim Miêu˜
Tokyo, 1/2021.
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Nếu bạn có nhu cầu học tiếng Nhật:
https://www.facebook.com/groups/3334879080103554
https://www.facebook.com/profile.php?id=100089259412464
Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Những bài viết về thi ca nhạc hoạ: https://phanthuha.me/category/thu-an-choi/