Kỳ 3: “Cho nó đi tất vào!”

{trích “Bức phác hoạ nước Nga” (Koizumi Yuu, 2022)}

Vậy còn những mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hoặc những mối quan hệ hình thành thông qua hối lộ thì sao? Bạn có thể tưởng tượng ra một xã hội cực kỳ lạnh lùng với người khác, và thực tế đúng là có những nơi như vậy. Tuy nhiên, người Nga cũng có thể rất tử tế, hay đúng hơn là khá tọc mạch đối với những người hoàn toàn xa lạ.

Điều này đặc biệt đúng khi người ta coi đối phương là đối tượng cần được “bảo vệ”.

Đây là những gì đã xảy ra khi tôi lần đầu tiên đến Nga. Tôi xuống ở trạm gần khách sạn tôi đặt nhất, nhưng có vẻ như tôi đã đi nhầm lối ra và cuối cùng bị lạc đường hoàn toàn khi đi lang thang. Xung quanh tối đen như mực và tôi không còn biết mình đang ở đâu nữa.

May mắn thay, tôi thấy một bà lão đang đi bộ nên tới hỏi đường. Bà lão bảo tôi, “Nếu vậy thì đi tàu điện qua một trạm nữa sẽ gần hơn”.

Khi tôi cảm ơn bà và chuẩn bị rời đi, người phụ nữ đó cũng lên tàu điện cùng tôi. Khi tôi hỏi “Nhà bà có ở hướng này không?”, bà trả lời “Tôi lo cho cậu nên sẽ đưa cậu đến tận cửa khách sạn”. Cuối cùng, nhờ có người phụ nữ này, tôi đã đến được khách sạn an toàn và nhận ra lòng tốt vô bờ bến của người dân Nga. Chế độ “bảo vệ” của người Nga được kích hoạt bởi một người đàn ông châu Á lúng túng vì không nói được tiếng Nga lại còn vác rất nhiều hành lý như tôi.

Armoire en bois marron avec cadres photo

Mong muốn bảo vệ người khác của người Nga thể hiện mạnh mẽ khi thấy trẻ em. Bạn thấy thời tiết hôm nay đẹp nên sẽ ổn thôi nếu cho con mặc đồ rồi ra ngoài chơi? Trước khi bạn kịp làm điều đó, bạn sẽ bị một người phụ nữ đi ngang qua bắt gặp và mắng rằng: “Cho nó mặc thêm quần áo vào!”

Tôi đã từng nghe một câu chuyện như thế này từ một người Nhật sống ở Matxcova. Vào một ngày nắng đẹp, khi cô sắp ra ngoài cùng đứa con đang để chân trần nằm trong xe đẩy, một người phụ nữ lớn tuổi ở cùng tòa nhà chung cư đã chặn đường cô ở hành lang và nói: “Cô mà không cho nó đi tất vào thì đừng hòng ra khỏi cửa”.

Có lẽ lí do khiến phụ nữ Nga luôn muốn mặc ấm cho con mình là vì nỗi đau lịch sử họ phải mang trong nhiều năm qua khi mất quá nhiều con cái do giá lạnh. Là một người Nhật sinh ra và lớn lên ở đất nước nóng ẩm thì tôi không khỏi lo lắng về tình trạng rôm sảy.

Nói về khí hậu nóng ẩm, thực phẩm ở Nhật Bản rất dễ hỏng. Vì vậy, nếu có thức ăn thừa, tôi sẽ cho ngay vào tủ lạnh, nhưng chúng cũng không để được lâu. Trái lại, ở Nga chắc do không khí khô nên thực phẩm cứ để bên ngoài thì nó chỉ cứng lại thôi, bảo quản trong tủ lạnh thì sẽ khó bị hỏng. Một số người còn nấu một nồi súp borsch lớn (một món ăn cổ truyền của Nga), nói rằng “để qua ngày thứ ba mới ngon”.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Đọc thêm về Tam quốc: https://phanthuha.me/category/tam-quoc/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời