Nếu coi “Chữ người tử tù” là một bản đàn thì cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục là một quãng lắng sâu khiến người ta nhớ đến bản đàn ấy, và nốt trầm sâu lắng nhất chính là cái cúi đầu và dòng nước mắt của quản ngục trước Huấn Cao.

Trong lao tù tối tăm, trong không khí lạnh lẽo và ẩm ướt, một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã diễn ra. Trước ông Huấn, ngục quan thể hiện một niềm kính trọng không giấu giếm. Trước kia là nghe danh về Huấn Cao, được nhận tù, được biệt đãi ông Huấn một cách lặng lẽ cho dù lần đầu nói chuyện riêng với nhau, quản ngục đã bị Huấn Cao từ chối dứt khoát và khinh bạc. Vẻ lạnh lùng và có phần ngạo mạn của ông là một vết dao gây tổn thương cho tấm lòng thành của quản ngục. Giữa chốn đề lao tàn nhẫn và lừa lọc, người thanh cao và biết trọng nghĩa khí như quản ngục kia chỉ thấy mình cô đơn gấp bội. Cô đơn ở chính nơi mình đang sống, và lẽ đương nhiên càng cô đơn người ta càng khao khát mãnh liệt một tri âm. Tìm được người hiểu mình, người mình kính phục, nhưng lại quá xa xôi, xa cả tài lẫn tình.

Quản ngục không nói thẳng cho Huấn Cao biết rằng mình ngưỡng mộ tài năng của người ấy bao nhiêu, ước muốn có được đôi chữ của người ấy treo trong nhà tưởng giản đơn mà lại khó khăn chỉ vì “không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá”. Tất cả những gì quản ngục làm là “xin lĩnh ý”, ngày ngày cho người đem cơm rượu đến, tuyệt không bước chân vào nhà giam như lời ông Huấn, chẳng thể oán thù hay giận dữ mà chỉ mong mỏi “một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết”, khổ tâm vì “có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình, mà không biết làm thế nào mà xin được chữ”. Mong muốn ấy cứ được y ấp ủ trong niềm hi vọng mong manh, y lo tới mức “ông Huấn bị hành hình thì cái thèm muốn kia chỉ là một cái mộng” (Tao đàn, 1939). Chính vì cách biệt và hi vọng dần thiêu đốt trái tim nhiệt thành của y, nên khi được Huấn Cao đồng ý cho chữ, y xúc động vô cùng. Có thể giáp mặt ông Huấn, được nhìn thấy nét bút tài hoa của ông và hơn hết là nhận được ánh mắt thân tình cùng lời di huấn của người y ngày đêm chờ đợi, quản ngục không thể không cúi đầu lạy tạ. Ông Huấn đã chỉ ra một con đường tươi sáng hơn cho tình yêu của quản ngục với thư pháp, “thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Đó là những lời rút ra từ tâm can của con người cả đời tận lực đi tìm “thiên lương”. Nhưng cái cúi đầu không đơn thuần là lòng biết ơn, sự ngưỡng vọng, niềm thành kính của quản ngục, mà còn là việc cuối cùng người đang sống có thể làm được cho người sắp ra đi, ấy là đưa tiễn.

Không nên rạch ròi quản ngục đưa tiễn một nét đẹp của đời về cõi vĩnh hằng hay tạ từ một con người làm nên những kiệt tác, bởi lẽ tài và tình đã hòa làm một nơi con người Huấn Cao. Tình yêu dành cho nét chữ kia cũng chính là tình tri âm đã nảy nở trong lòng quản ngục. Y đâu chỉ chờ đợi những con chữ của ông Huấn, y thừa biết “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ”, y lạy tạ là tạ từ cả tấm lòng ông Huấn đã biệt đãi y, coi y là tri âm mà dành chút tàn niệm này lại cho người chẳng gần gũi bao lâu, hay đúng hơn là xa lạ, như y. Những cảm xúc hỗn tạp khiến quản ngục cuối cùng cũng rơi nước mắt. Không phải từng giọt nước mắt mà thành dòng, “rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào”. Trong đó chứa đựng niềm hạnh phúc khi giấc mơ thành hiện thực, không còn là ảo mộng nữa; chứa đựng cả những cảm xúc tràn bờ, sung sướng vì “Tất cả nghề nghiệp ta, và có lẽ cả đời ta nữa, lãi chỉ ở chỗ xin được chút kỷ niệm này” (Tao đàn, 1939). Cuộc đời đôi khi quá phũ phàng, để người ta gặp được nhau, hiểu được nhau rồi lại chia ly ngay trong lúc tâm trí bình yên nhất. Giống như xưa kia Bá Nha và Tử Kỳ gặp được nhau, và một năm sau Bá Nha phải ngậm ngùi tấu khúc “Thiên thu trường hận” bên mộ người tri âm.

Quản ngục tiễn người nghệ sĩ chân chính, tiễn cái đẹp “vang bóng một thời” sắp lìa cõi dương gian, tiễn người hay còn tiễn thứ gì khác? Kẻ sĩ nguyện chết vì tri âm, có lẽ nào y còn muốn tiễn đưa cả chút tình cảm sâu sắc với Huấn Cao?

“Một tình buồn mênh mông đã len lỏi vào tâm hồn quản ngục… Ít hôm nữa, pháp trường trong kinh…”?


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *