*Lời người dịch: Bài viết này được đăng trên Tạp chí “Ngoại giao” (Nhật Bản) số 64, tức số tháng 11-12/2020. Tình hình chiến sự hơn một năm qua tại Afghanistan đã có sự thay đổi, tuy nhiên những vấn đề được nêu lên trong bài viết vẫn mang tính thời sự.


Tại Afghanistan, nơi xung đột vẫn tiếp diễn qua nhiều thập kỷ, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ cộng hoà và Taliban về hòa bình đã bắt đầu. Yamamoto Tadamichi – người từng tham gia vào công cuộc tái thiết và xây dựng hòa bình ở Afghanistan theo quan điểm của Liên hợp quốc (LHQ) – đã có cái nhìn bao quát về con đường gian nan phía trước [cho tiến trình hoà bình ở Afghanistan].

Một cuộc đối thoại trực tiếp vì hoà bình giữa phía nhà nước cộng hoà (bao gồm chính phủ Afghanistan) và Taliban – tức giữa những người Afghanistan – đã bắt đầu vào đêm ngày 12 tháng 9 tại Doha, Qatar. Đây là một ngày mang tính lịch sử. Cuộc xung đột kéo dài hơn 40 năm kể từ khi Liên Xô đưa quân vào lãnh thổ Afghanistan năm 1979 đã gây ra nhiều thương vong, không chỉ với người Afghanistan. Nhiều người, trong đó có cả người Nhật, đã thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9 năm 2001 của Al Qaeda – tổ chức vốn được Taliban bao che. Gần 20 năm sau, số nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên. Kể từ khi Liên Hợp Quốc bắt đầu thu thập số liệu thống kê vào năm 2009, con số thương vong ở Afghanistan đã vượt quá 100.000 người chỉ tính riêng dân thường. Nếu tính cả những người tham gia chiến đấu, con số đó sẽ phải tăng gấp nhiều lần. Đây là trận chiến dài nhất mà Mỹ từng liên quan.

Ngay sau khi chính quyền Taliban sụp đổ, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu ủng hộ công cuộc tái thiết Afghanistan, nơi đã kiệt quệ bởi nhiều năm xung đột. Các nỗ lực tái thiết để ổn định chính trị và xã hội, cải thiện cuộc sống của những người dân nghèo đói và đau khổ, cũng như cho phép người tị nạn trở về là vô cùng khó khăn trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn đang diễn ra. Sau 20 năm nỗ lực, các cuộc thảo luận giữa những người Afghanistan cuối cùng đã bắt đầu nhằm hướng tới đàm phán hòa bình.

Tôi được bổ nhiệm làm Phó Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ tại Afghanistan vào cuối năm 2014, và một năm rưỡi sau tôi trở thành Đặc phái viên, cho đến khi chính quyền mới ở Afghanistan ra đời vào mùa xuân năm nay (2020). Trong bài báo này, dựa trên kinh nghiệm của 5 năm rưỡi ở đó, tôi sẽ xem xét những nỗ lực, thành tựu và hạn chế của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản, trong 20 năm qua, cùng những thách thức đối với tiến trình hòa bình trong tương lai.

Ổn định và tái thiết, hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan

Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ rất nhiều cho công cuộc tái thiết Afghanistan. Tại cuộc họp ở Tokyo năm 2012 mà tôi trực tiếp tham gia, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra lời hứa hỗ trợ từ toàn thể cộng đồng quốc tế [cho Afghanistan] với tổng số tiền là hơn 17 tỷ USD (khoảng 2 nghìn tỷ yên) tính đến năm 2016. Tại cuộc họp ở Brussels vào năm 2016, [các nước] đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ 15,2 tỷ đô la đến năm 2020. Thêm khoảng 5 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ riêng phía Hoa Kỳ vào khoản này, ta có thể thấy rằng một lượng tiền khổng lồ đang được đầu tư vào đây (trong khi GDP tổng sản phẩm quốc nội của Afghanistan là khoảng 20 tỷ USD).

Đầu tiên ta hãy thử nhìn vào thành quả. Đây không phải là dữ liệu mới nhất, nhưng tôi muốn lấy một con số từ những số liệu do chính phủ Afghanistan cung cấp. Nhìn tổng thể nền kinh tế, GDP bình quân đầu người năm 2014 là 680 USD, cao hơn khoảng năm lần so với năm 2001. Về giáo dục, từ chỗ chưa đến 1 triệu trẻ em trai đi học tiểu học, tới năm 2013 đã có 9 triệu trẻ em học tiểu học, 32% trong số đó là trẻ em gái. Số lượng sinh viên đại học, bao gồm cả nữ sinh, đã lên tới 250.000 người. Tỷ lệ tiếp cận các cơ sở y tế đã tăng từ 9% lên 57% dân số. Truyền thông ở đây được coi là hoạt động tự do nhất ở khu vực Nam Á, vượt qua cả Ấn Độ.

Tuy nhiên, có những giới hạn đối với sự phát triển trong tình cảnh cuộc xung đột vẫn đang diễn ra. Tính đến năm 2019, hơn 50% tổng dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, tức là 94 xu trở xuống cho 1 người/ ngày. Những người này đang ở trong tình trạng khó có thể kiếm được một bữa ăn mỗi ngày. Trừ khi cuộc chiến kết thúc và xã hội được đảm bảo an ninh, nếu không, lợi ích của sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế sẽ không thể lan rộng tới tất cả mọi người.

Vốn dĩ, để hấp thu một lượng lớn viện trợ, cần phải có năng lực tiếp nhận [nguồn viện trợ đó], nhưng chiến tranh khiến việc đó trở nên càng khó khăn hơn. Các quỹ không được sử dụng có khả năng dẫn đến tham nhũng. Vốn dĩ để Afghanistan – một quốc gia nông nghiệp – đạt được sự phát triển, cần phải tập trung chế biến nông sản để xuất khẩu và gia tăng giá trị sản phẩm. Đầu tư là cần thiết cho cả việc này cũng như việc sử dụng các nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn, đầu tư từ các nước láng giềng cũng như châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ, Ấn Độ đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tư nhân với sự hợp tác của Nhật Bản vào năm 2012 và Hoa Kỳ vào năm 2018. Tuy nhiên, tiềm năng đầu tư và tiềm năng phát triển mặc dù đã được khẳng định nhưng nó không hề dễ dàng đi đôi với việc hiện thực hóa. Phát triển cơ sở hạ tầng cũng luôn phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy do xung đột.

Ví dụ về mặt nhân đạo, việc cải thiện tỷ lệ tử vong của các bà mẹ khi sinh con đã bị ngưng trệ. Khoảng 5 triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi đất nước, và 1/6 tổng dân số là người tị nạn. Để họ trở về và tái hòa nhập cộng đồng, các địa phương phải ổn định và có môi trường [thuận lợi] để cư dân cũ và đầu máy mới có thể cùng làm việc.

Xung đột có thể quan sát được trên khắp đất nước, nhưng đặc biệt ở những khu vực giao tranh dữ dội, vẫn còn rất nhiều nơi tồn tại tư tưởng bảo thủ. Ở những vùng như vậy, vấn đề nhân quyền cũng sẽ chậm được giải quyết hơn. Vị thế và vai trò của phụ nữ ở Afghanistan ngày càng tăng. 27% đại biểu quốc hội là phụ nữ (so với 14% ở Nhật Bản), và phụ nữ cũng hoạt động tích cực với tư cách là bộ trưởng, thứ trưởng và cục trưởng. Người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan là phụ nữ trong hai nhiệm kì liên tiếp. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế rằng một bộ phận phụ nữ đã bắt đầu hoạt động sôi nổi theo cách này, việc ngược đãi phụ nữ vẫn luôn xảy ra ở những nơi còn tư tưởng bảo thủ. Tôi đã từng tổ chức đối thoại với phụ nữ ở nhiều nơi, nhưng trong số những người tham gia là phụ nữ sống ở các vùng nhiều hủ tục, có những người trên đường trở về phải che kín cơ thể và khuôn mặt của mình bằng đồ đen, thậm chí sẽ gặp rắc rối nếu gia đình biết chuyện. Những ví dụ thực tế trong Báo cáo của Liên hợp quốc về Bảo vệ Quyền lợi Phụ nữ ở Afghanistan là quá khủng khiếp để trích dẫn ở đây, tôi đã đọc mà không cầm được nước mắt.

Để hỗ trợ nhân đạo, nhân viên của các cơ quan LHQ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại khu vực giao tranh vẫn sâu sát khu vực bằng cách đối thoại với hai phe xung đột là chính phủ cộng hoà Afghanistan và Taliban, nhưng tiếc là đôi khi vẫn không ngăn chặn nổi những sự hi sinh (dù là đáng quý). Hai mươi năm kinh nghiệm [hỗ trợ nhân đạo] cho thấy một số thành quả của sự cam kết mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và sự đóng góp tận tụy của các nhân viên tuyến đầu địa phương cùng các tình nguyện viên, nhưng đồng thời cũng cho ta hiểu rõ việc phát triển và phục hồi cũng như bảo vệ phẩm giá con người sẽ khó khăn như thế nào trong điều kiện không có hòa bình.

Đường tới đàm phán hòa bình: đàm phán trực tiếp giữa Taliban và Hoa Kỳ

Con đường bắt đầu hòa đàm không hề dễ dàng. Hiệp định hòa bình là để xác định tương lai của Afghanistan và người dân sau khi kết thúc xung đột, và cũng là thứ cần những người Afghanistan bàn bạc và quyết định. Tuy nhiên, Taliban từ chối chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính phủ Afghanistan.

Taliban đã luôn coi Hoa Kỳ và các lực lượng đa quốc gia do nước này lãnh đạo là “kẻ chiếm đóng” kể từ khi bị lật đổ, và coi việc rút lui như tiền đề để giương cao ngọn cờ [đấu tranh] và tiến hành Jihad (Thánh chiến). Trong cuộc đối thoại định kì với tôi, [Taliban] đã lập luận rằng “việc rút quân của Hoa Kỳ là điều cần thiết để bắt đầu tiến trình hòa bình và phải được thỏa thuận trước.” Đối với Taliban, chính phủ Afghanistan là một cơ quan quản lý được hỗ trợ bởi cộng đồng quốc tế, không phải là một thực thể độc lập. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã ủng hộ và hỗ trợ quá trình chính phủ lâm thời (được thông qua bởi Thỏa thuận Bonn năm 2001) thúc đẩy tái thiết và ổn định Afghanistan, cũng như việc Hamid Karzai được bầu làm Tổng thống và điều hành một chính phủ hợp pháp đại diện cho người dân Afghanistan. Đây cũng là chính phủ Afghanistan đại diện cho quốc gia này tại LHQ. Hòa bình cần phải diễn ra giữa Taliban và phía nhà nước cộng hoà, bao gồm cả chính phủ đại diện cho người dân Afghanistan.

Trong khi Taliban yêu cầu đối thoại trực tiếp với chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối việc chỉ thương lượng với Taliban, cho rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận giữa những người Afghanistan. Thông qua nhiều lần tiếp xúc với Taliban, tôi cảm thấy rằng lập trường này vô cùng vững chắc, và khác với chính phủ Mỹ, với tư cách [là người của] Liên hợp quốc, tôi đã thúc đẩy việc tổ chức đàm phán trực tiếp với Taliban như là một quá trình mà dù thế nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán trực tiếp giữa những người Afghanistan.

Bước ngoặt xảy ra vào tháng 8/2017 khi chính quyền Trump thay đổi chính sách. Việc xem xét lại toàn bộ chính sách Nam Á bao gồm cả với Pakistan và Ấn Độ đã được tiến hành. Tại Afghanistan, nơi có nhiều tiếng nói nghi ngờ về sự tham gia lâu dài của mình, họ tìm cách giải quyết xung đột, giảm 15 ngàn binh sĩ, thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình giữa những người Afghanistan và lên kế hoạch rút quân. Do đó, phương châm “không đàm phán với Taliban” đã bị thay đổi, và vào tháng 9 năm sau, đặc phái viên Khalilzard, người sinh ra ở Afghanistan và từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bắt đầu đàm phán trực tiếp với các nước láng giềng. Đặc phái viên Khalilzard cũng kêu gọi các nước láng giềng hợp tác để đạt được hòa bình. Các cuộc đàm phán trải qua nhiều trục trặc nhưng tới ngày 29 tháng 2 năm 2020 đã đạt được sự đồng thuận. Chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng mục đích chính của các cuộc đàm phán với Taliban là để thực hiện các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Taliban và nhà nước cộng hòa, bao gồm cả chính phủ Afghanistan với mục tiêu cuối cùng là hiện thực hoá hòa bình.

Hơn nữa, trong một cuộc xung đột kéo dài như chiến tranh Afghanistan, để làm sáng tỏ các yếu tố phức tạp đan xen, sự hợp tác tích cực vì hòa bình không chỉ giữa các bên xung đột mà còn giữa các nước láng giềng và các nước lớn có liên quan là không thể thiếu. Afghanistan được bao quanh bởi sáu quốc gia, biên giới dài và nhiều đồi núi, rất khó để kiểm soát hoàn toàn sự đi lại của các phần tử khủng bố và Hồi giáo cực đoan. Chẳng hạn như với cái gọi là nơi trú ẩn an toàn, căn cứ huấn luyện và trợ cấp y tế xuyên biên giới, cả hai bên biên giới đều không tin tưởng lẫn nhau về vấn đề ra vào của vật tư và nguồn vốn, bao gồm cả vũ khí đạn dược và con người. Để đạt được hòa bình, sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng này, bao gồm cả Pakistan – nơi có nhiều cán bộ của Taliban và gia đình của họ sinh sống, là không thể thiếu. Ngoài ra, Afghanistan chiếm một vị trí địa chính trị quan trọng, trong lịch sử đã từng chứng kiến sự can thiệp của các cường quốc.

Kể từ cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên với Taliban, Khalilzard đã cẩn thận “móc nối” với các quốc gia láng giềng và các nước xung quanh khu vực này. LHQ đã tổ chức một số cuộc họp cho mục đích đó tại Kabul. Chắc chắn rằng cơ hội để thông báo cho tất cả các nước liên quan về tình hình và nghe ý kiến đã giúp họ hiểu sâu hơn về những nỗ lực hòa bình của các nước này. Về vấn đề Iran, nơi mà Hoa Kỳ không thể đối thoại trực tiếp, tôi đã thay mặt Liên Hợp Quốc đến thăm Tehran và giải thích tình hình. Hoa Kỳ cũng đã khởi động các cuộc đàm phán ba bên Mỹ-Trung-Nga và giải thích tình hình của các cuộc đàm phán. Các nước này đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại trực tiếp hiện nay, và có thể nói rằng điều kiện trong khu vực cuối cùng đã được thiết lập để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.

Kỳ vọng của người dân Afghanistan – chìa khóa là sớm thực hiện một lệnh ngừng bắn

Các cuộc đàm phán ở Doha vẫn chưa diễn ra sôi nổi, nhưng đã bắt đầu có các cuộc thảo luận về cách tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, không ai cho rằng cuộc đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ. Các quan chức, bao gồm cả những người đương sự của Afghanistan, đang cảnh báo về những kỳ vọng quá dễ dàng. Chắc chắn rằng chỉ cần xem xét các thách thức chính đang được dự báo thì cũng thấy những khó khăn nổi bật lên. Nhìn vào hệ thống chính trị tương lai sẽ trở thành nền tảng của đất nước, ta thấy có sự khác biệt về lập trường căn bản giữa phe Cộng hòa – phe ủng hộ việc duy trì nền cộng hòa – và Taliban – phe tìm cách hiện thực hóa một “tiểu vương quốc”. Và cũng có những vấn đề liên quan đến hiến pháp.

Ngoài ra, chính phủ Afghanistan cũng cho rằng hiệp định hòa bình cần dựa trên những thành tựu và sự phát triển trong 20 năm qua của chính phủ này. Taliban và chính phủ Afghanistan có cùng quan điểm trong việc thành lập một nhà nước Hồi giáo, nhưng có sự khác biệt lớn giữa họ, chẳng hạn như trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả quyền cho phụ nữ. Hơn nữa, cần phải suy nghĩ thấu đáo để đạt được nền hòa bình bền vững, chẳng hạn như làm thế nào để các chiến binh Taliban tái hòa nhập sau khi có được hòa bình, hay cách phân chia đất đai vào thời điểm đó nên tiến hành ra sao.

Hiện tại, các nhóm nhân quyền và nạn nhân trong nước đã bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận sẽ được ưu tiên và thành quả mà họ giành được từ trước tới nay sẽ bị hy sinh [để thực hiện thoả thuận]. Trên bình diện quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong một tuyên bố rằng chính người Afghanistan sẽ quyết định tương lai, nhưng phải có được thỏa thuận về những thành tựu mà người dân Afghanistan đạt được kể từ năm 2001, bao gồm cả quyền của phụ nữ. Trong bài phát biểu mở đầu cuộc đối thoại trực tiếp tại Doha, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết nội dung thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến sự viện trợ [của Mỹ cho Afghanistan] và quan hệ trong tương lai [của Afghanistan] với Mỹ. Các nước láng giềng cũng bày tỏ sự quan tâm và lập trường mạnh mẽ.

Các phương trình phức tạp cũng có liên quan [đến vấn đề này]. Để tìm ra một giải pháp, cả nhà nước cộng hòa và Taliban sẽ cần phải tìm kiếm sự thỏa hiệp một cách thiện chí và linh hoạt, cũng như cần có cuộc đàm phán [mà hai bên phải] cực kỳ nhẫn nại.

Điều không được phép quên là sự kỳ vọng của người dân Afghanistan, những người đã hứng chịu cảnh xung đột và chịu nhiều hy sinh trong một thời gian dài. Để cho công chúng thấy được mức độ nghiêm túc của tiến trình hòa bình và để đáp ứng kỳ vọng [của họ], điều cực kỳ quan trọng là phải đạt được một số bước tiến trong cuộc thảo luận lần này về việc ngừng bắn và giảm bạo lực ở giai đoạn đầu. Taliban nói rằng: “Nếu chúng tôi ngừng chiến đấu, ai sẽ thực sự coi chúng tôi là đối thủ?”. Họ coi cuộc giao tranh là một phương tiện để khiến cộng đồng quốc tế và chính phủ Afghanistan phải nghiêm túc nhìn nhận. Ngay cả sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu, vẫn còn rất nhiều thương vong dân sự. Đó sẽ không phải là một cuộc đàm phán hòa bình đúng nghĩa nếu không có sự tiến triển liên quan đến lệnh ngừng bắn.

Vai trò của Liên hợp quốc, vai trò của Nhật Bản

Tôi muốn nói sơ qua về vai trò của LHQ. Khoảng 5000 người đang làm việc tại đây. Lợi thế so sánh của LHQ là họ không thiên vị bên nào, có khả năng tiếp cận bình đẳng với các bên liên quan và có thể thảo luận mà không cần đại diện cho một lợi ích cụ thể nào. Khả năng tổ chức hội nghị của LHQ có thể đóng một vai trò hữu ích trong trường hợp các cuộc đàm phán đang trở nên bế tắc, hoặc khi cần mở rộng việc tập hợp các bên liên quan lại với nhau.

Kinh nghiệm của LHQ cũng cho thấy rằng điều quan trọng là các cuộc đàm phán phải được thực hiện dưới hình thức đại diện rộng rãi cho người dân, để kết quả đàm phán được người dân chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thỏa thuận hòa bình. Vì vậy, LHQ đã kêu gọi sự tham gia rộng rãi vào các cuộc đàm phán của đại diện phía phụ nữ, thanh niên và các tổ chức phi chính phủ (NGO), tạo cơ hội cho họ tập hợp và cùng suy nghĩ.

Nó cũng có một vai trò rất thiết thực. LHQ có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến hòa bình. Sau này khi các cuộc đàm phán hòa bình có tiến triển, sẽ có những vấn đề khó khăn như lệnh ngừng bắn, chính thể sau hòa bình, việc áp dụng luật Hồi giáo (Shariah), quyền phụ nữ, tự do báo chí và các biện pháp chống tham nhũng cũng sẽ phải được giải quyết. Khi đó, việc đưa ra những lời khuyên chuyên môn và giới thiệu những tấm gương trong quá khứ sẽ giúp các bên thảo luận và đạt được sự đồng thuận.

Nhật Bản đã đóng góp đáng kể vào sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của Afghanistan. Cả người dân Afghanistan và chính phủ đều mang lòng biết ơn sâu sắc và cảm giác thân thuộc [đối với Nhật Bản]. Số tiền viện trợ tích lũy của Nhật Bản cho Afghanistan đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới; vào năm 2002 và 2012, một cuộc họp cấp bộ trưởng về việc viện trợ phát triển [cho Afghanistan] đã được tổ chức tại Tokyo để đảm bảo một lượng lớn cam kết tài chính từ cộng đồng quốc tế. Sự hỗ trợ của Nhật Bản tập trung vào giáo dục và y tế nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Afghanistan, xây dựng đường xá tạo cơ sở cho cơ sở hạ tầng quốc gia và hỗ trợ nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế của người dân. Hoạt động của bác sĩ Nakamura Tetsu* là một ví dụ điển hình. Ngoài ra còn có bà Ogata Sadako**, người vẫn được kính trọng bởi bà đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người tị nạn Afghanistan. Những kỳ vọng vào Nhật Bản rất lớn, và cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao những đóng góp và vai trò của Nhật Bản.

Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa bình dựa trên những thành tựu đã đạt được trong quá khứ; về quá trình tái thiết sau hòa bình, tôi cho rằng có một con đường [cho Nhật Bản thực hiện] là tiếp tục vai trò dẫn dắt cộng đồng quốc tế như tổ chức các hội nghị cấp cao về phát triển tương tự các năm 2002 và 2012, cũng như hỗ trợ xây dựng đất nước và phát triển con người ở Afghanistan.


Chú thích

*Nakamura Tetsu (1946-2019) là một nhà nhân đạo người Nhật nổi tiếng vì đã cống hiến cả cuộc đời vào công cuộc tái thiết Afghanistan (cung cấp nước, xây đập và cải tiến nông nghiệp truyền thống), tuy nhiên ông đã bị sát hại bởi một viên đạn bắn trúng lá phổi bên phải khi chiếc xe bán tải chở ông cùng vài người rơi vào ổ phục kích vào ngày 4/12/2019.

**Ogata Sadako (1927-2019) là một học giả, nhà ngoại giao người Nhật Bản và là nhà nhân đạo nổi tiếng. Nhiệm kỳ của bà với tư cách là Cao ủy LHQ về người tị nạn kéo dài từ năm 1991 đến 2001, khi bà đóng vai trò giám sát các hoạt động tị nạn trong các cuộc khủng hoảng ở Iraq, vùng Sừng châu Phi, Nam Tư cũ, Rwanda, Afghanistan và nhiều nơi khác. 


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời