Các cách giải thích về phương pháp phân loại trợ từ は và が từ trước đến nay đều dựa trên lí thuyết của nhà Nhật ngữ học Noda Hisashi.

Phương pháp 1: Phân loại theo thông tin mới hay cũ

Trong đoạn hội thoại hoặc đoạn văn, nếu danh từ đóng vai trò chủ thể hành động chưa được biết tới (tức thông tin mới) thì ta dùng が, nếu là thông tin đã biết (thông tin cũ) thì ta dùng は. Ví dụ, ta muốn nói “Ông Tanaka là bác sĩ”:

  • 田中さんは医者です。Trong trường hợp này, “Ông Tanaka” là thông tin “đã biết” nên đi cùng với trợ từ は.
  • 田中さんが医者です。Trong trường hợp này, ta chưa biết ai là bác sĩ (thông tin mới), ta thêm が vào sau “Ông Tanaka”.

Phương pháp 2: Phân loại theo câu kể (現象文) hay câu nhận xét (判断文)

Một câu diễn đạt đúng hiện tượng đang diễn ra mà không thêm phán đoán chủ quan của người nói được gọi là câu kể (現象文), chủ ngữ của câu này có が đi sau.

Ngược lại, câu mà người nói bổ sung phán đoán chủ quan cho một hiện tượng được gọi là câu nhận xét (判断文), chủ ngữ sẽ có は đi sau.

Ví dụ:

・(目の前の犬を見て)犬が寝そべっている。(Nhìn thấy con chó ở trước mặt) Con chó đang nằm. -> Câu kể
・(他の人に間違えて持って行かれそうになった傘を指して)それは私の傘です。(Chỉ vào chiếc ô suýt bị người khác cầm nhầm mất) Đấy là ô của tôi. -> Câu nhận xét

Phương pháp 3: Phân loại theo vị trí chủ thể hành động thuộc mệnh đề phụ hay mệnh đề chính

Chủ thể hành động là chủ ngữ của mệnh đề chính thì dùng は, chủ thể hành động là chủ ngữ của mệnh đề phụ thì dùng が. Ví dụ:

  • 父が出かけるとき、家で寝る。(Khi bố ra ngoài, tôi ở nhà ngủ.)
  • 父は酒を飲むとき、冷や奴を食べる。(Bố tôi sẽ ăn đậu phụ ướp lạnh khi uống rượu.)

Phương pháp 4: Phân loại theo chủ ngữ thể hiện ý nghĩa so sánh hay ý nghĩa loại trừ

Khi trong câu có hai vế thể hiện sự so sánh giữa hai chủ thể cùng loại thì ta dùng は cho chủ ngữ cả hai vế. Ngược lại, nếu chủ ngữ trong câu là thứ duy nhất tồn tại thì ta dùng が. Ví dụ:

  • 犬は嫌いだが、猫は好きだ。Chó thì tôi ghét, nhưng mèo thì tôi thích. -> Câu có sự so sánh hai vế
  • 私が責任者だ。Tôi là người chịu trách nhiệm. -> Hàm ý trong số những người ở đây, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm

Phương pháp 5: Phân loại theo câu định nghĩa (措定文) hay câu định vị (指定文)

Trong câu メッシはサッカー選手だ (Messi là cầu thủ bóng đá), ta không thể nói ngược lại rằng サッカー選手がメッシだ (Cầu thủ bóng đá là Messi) vì chủ ngữ “Messi” có nhiều đặc điểm hay cách định nghĩa khác ngoài “cầu thủ bóng đá”, “cầu thủ bóng đá” cũng có rất nhiều người khác chứ không chỉ có “Messi”. Những câu không thể thay đổi vị trí của danh từ đóng vai trò chủ ngữ và danh từ đóng vai trò vị ngữ như vậy được gọi là câu định nghĩa và sau chủ ngữ sẽ là は.

Ngược lại, những câu mà vị ngữ nêu rõ một thuộc tính để xác định xem chủ ngữ là gì thì ta có thể thay đổi chủ vị cho nhau như 私の趣味は読書だ (Sở thích của tôi là đọc sách; Đọc sách là sở thích của tôi) thì gọi là câu định vị, và ta dùng は hay が sau chủ ngữ đều được.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời