Thông điệp mà chính quyền Abe nhận được từ phát ngôn về việc “hướng tới kí kết hiệp ước hoà bình” của Tổng thống Putin năm 2018 vẫn chưa cho thấy sự nhất trí giữa các bên. Trong bối cảnh Hiến pháp Nga sửa đổi đã quy định cấm chuyển nhượng lãnh thổ, một chính sách can dự vào Nga là cần thiết khi Nga vẫn đứng trên lập trường mang tính dài hạn để giải quyết vấn đề lãnh thổ.
Thủ tướng Abe, với khẩu hiệu “Giải quyết triệt để vấn đề ngoại giao thời hậu chiến”, đã triển khai một chính sách ngoại giao chủ động với Nga với hai mục tiêu chính: (1) Giải quyết vấn đề còn bỏ ngỏ là lãnh thổ phương Bắc (tranh chấp quần đảo Kuril), tiến tới kí kết hiệp ước hoà bình (2) Trước tình hình Trung Quốc đang trên đà phát triển trở thành cường quốc, vừa lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm trục chính của chính sách đối ngoại, vừa tăng cường quan hệ với Nga, tạo môi trường [an ninh] chiến lược có lợi cho Nhật Bản.
Tháng 11 năm 2018, tại Singapore, thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm với tổng thống Putin, nhất trí việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán điều kiện kí kết hiệp ước hoà Bình, trên cơ sở Tuyên bố chung Xô-Nhật năm 1956 (sau đây sẽ gọi là “Tuyên bố năm 56”) có ghi rõ về việc bàn giao đảo Shikotan và quần đảo Habomai cho Nhật Bản.
Trước đó, vào tháng 9 cùng năm, nhân Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra tại Vladivostok, tổng thống Putin đã đưa ra đề xuất với thủ tướng Abe rằng “cho tới cuối năm hãy cùng kí kết hiệp ước hoà Bình mà không có điều kiện tiên quyết nào”. Vào tháng 10, trong Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai (diễn đàn thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế, thành lập năm 2004, có trụ sở ở Matxcova, hoạt động dưới sự bảo trợ của Phủ tổng thống Nga), người viết đã trực tiếp hỏi tổng thống Putin về động cơ thực sự của ông với đề xuất Vladivostok. Tổng thống Putin đã trả lời rằng, tương tự như Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác kí với Trung Quốc năm 2001 đã tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước Nga-Trung, giúp giải quyết dứt điểm vấn đề lãnh thổ vào năm 2004, trong quan hệ Nga-Nhật, ông muốn việc đầu tiên là kí với Nhật một hiệp ước hoà bình, sau đó là tạo dựng niềm tin vững chắc để giải quyết vấn đề lãnh thổ.
Cuộc hội đàm tại Singapore đã chứng kiến phía Nhật đưa ra một đề xuất trái ngược hoàn toàn. Nếu phân tích câu trả lời trên, thật khó để tưởng tượng rằng Nga sẽ đáp ứng đề xuất đó trong tương lai gần, kể cả việc bàn giao lại hai đảo như đã nêu trong Tuyên bố năm 56. Thực tế, vào tháng 1 năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Kono Taro và Thủ tướng Abe đã lần lượt đến Nga để bắt đầu đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật vào tháng 6 tại Osaka cũng không cho thấy bước tiến nào đáng kể, công cuộc đàm phán vẫn trong tình trạng đình trệ.
Nga đang nỗ lực để tồn tại như một cường quốc
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cuộc hội đàm Singapore không được cụ thể hoá thành hành động chính là do sự bất đồng trong nhận thức giữa hai nước Nga-Nhật xoay quanh việc kí kết hiệp ước hoà bình. Phía Nhật coi việc kí kết hiệp ước hoà bình với Nga là để “giải quyết triệt để vấn đề ngoại giao thời hậu chiến”, trong khi phía Nga cho rằng điều kiện tiên quyết để đàm phán hoà bình là việc quan hệ Nga-Nhật được nâng lên một tầm cao mới “về chất”một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, … trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, nhất là khi quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng Ukraina.
Tuy vậy, nếu xem xét quan hệ Nga-Mỹ trong thời điểm hiện tại, sẽ vô cùng khó để nâng tầm quan hệ song phương Nga-Nhật về mặt an ninh khi mà Nhật vẫn cần phải củng cố vững chắc quan hệ đồng minh với Mỹ như trục chính của chính sách an ninh quốc gia.
Hơn nữa, hiến pháp Nga sửa đổi vào tháng 7 năm nay (2020) đã có thêm quy định “cấm chuyển nhượng các vùng lãnh thổ”. Trong điều khoản này, mặc dù có quy định ngoại lệ dành cho các vùng đất gắn với công việc xác định đường biên giới quốc gia, ngoại trưởng Nga đã phủ nhận hoàn toàn khả năng phần lãnh thổ liên quan đến đàm phán hoà bình Nga-Nhật nằm trong quy định ngoại lệ này. Cuối cùng, theo đánh giá của tổng thống Putin, khả năng phía Nga thay đổi lập trường không phải không có, tuy vậy, trong tương lai gần vẫn khó xảy ra việc điều chỉnh các điều kiện nói trên.
Mặt khác, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Nhật về ngoại giao – an ninh là sau nhiều năm Nga và Trung Quốc đang dần xích lại gần nhau về mặt chiến lược thì trong thời gian tới quan hệ Nga-Trung sẽ phát triển như thế nào. Với tầm nhìn trung dài hạn, Nga đang nỗ lực để tồn tại như một cường quốc độc lập, không phụ thuộc quá mức vào Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, việc củng cố và tăng cường quan hệ với Nhật sẽ vẫn tiếp tục có ý nghĩa chiến lược đối với Nga.
Mặc dù tuyên bố rằng sẽ kế thừa chính sách ngoại giao thời thủ tướng Abe, chính quyền mới của thủ tướng Suga nên tiếp tục coi việc “kí kết hiệp ước hoà bình đi đôi với giải quyết vấn đề lãnh thổ” là thách thức trong tương lai, từ đó vừa tiến hành phân tích, đánh giá đúng lúc tình hình thế giới liên quan tới Nga cũng như tình hình nội bộ nước Nga, vừa bình tĩnh duy trì chính sách can dự vào Nga với tầm nhìn chiến lược và dài hạn. Từ quan điểm này, có thể thấy ngoài việc chú trọng chính sách đối với Nga với nhận thức về sức ảnh hưởng trực tiếp của Mỹ lên tương lai của quan hệ Nga-Trung, một phương án nữa cho Nhật Bản là tìm kiếm khả năng hợp tác ba bên với Ấn Độ, một nước vẫn đang phát triển quan hệ với cả Nhật và Nga những năm gần đây.
Abiru Taisuke
Về tác giả
*Abiru Taisuke sinh năm 1969, tốt nghiệp Đại học Waseda, hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Matxcova (MGIMO), nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu chính sách Tokyo, Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Matxcova; chuyên ngành địa chính trị Á-Âu, chính sách an ninh ngoại giao Nga, quan hệ Nga-Nhật; tác phẩm: 『「今のロシア」がわかる本』,『原発とレアアース』(đồng tác giả),『プーチンの世界』- “Mr. Putin – Operative in the Kremlin” (Tổng biên tập bản dịch).
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7
Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/
Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/