Kỳ 2: Tham nhũng – căn bệnh trầm kha

{trích “Bức phác hoạ nước Nga” (Koizumi Yuu, 2022)}

Sự thiên vị người thân của người Nga có mối liên hệ rõ ràng với nạn tham nhũng. Trong xã hội Nga, không thiếu những câu chuyện như con cái các quan chức cấp cao còn trẻ mà đã nắm giữ những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp nhà nước, hay ai đó nhờ quan hệ mà kiếm được những công việc ngon lành.

Thêm vào đó, một vấn đề tồn tại ở Nga là người dân không tin tưởng vào hệ thống dịch vụ công. Bởi thế, ai ai cũng không ít lần trải nghiệm việc làm theo lời bên trên nói rồi mà đơn từ của mình cũng không được nhận, hay quan toà bị mua chuộc nên chẳng được việc. Vì vậy mà người Nga luôn phải nhờ đến người thân quen cho chắc. Thay vì giải quyết theo quy định đã có, nhiều trường hợp phải “đi cửa sau” mới nhanh và chắc chắn được việc hơn.

Tất nhiên không phải ai cũng có người quen có chức quyền, và cũng không phải cứ quen biết là người ta sẽ giúp mình không công, dẫn đến sự hoành hành của nạn hối lộ trong xã hội. Đặc biệt vào thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ, tình hình kinh tế khó khăn càng khiến cho vấn nạn này xảy ra công khai. Người ta đưa quà cho bác sĩ để được phẫu thuật ở bệnh viện, sinh viên hối lộ giáo sư khi mới thi đại học, tiểu thương bắt đầu buôn bán ở đâu phải có tiền bảo kê cho mafia đang chiếm địa bàn đó.

Ở Nga có câu thành ngữ “Thìa không bôi trơn thì làm miệng khô”, ý nói hối lộ chính là “dầu bôi trơn” cho xã hội vậy. Gần đây còn có câu nói “Ở Nga không có hối lộ, đấy chỉ là chút giao tình tốt đẹp giữa người với người thôi.”

Đường phố Matxcova (Nguồn: Unsplash)

Hối lộ với công chức gần như đã bị thương mại hoá. Ví dụ, tới mãi gần đây người ta vẫn có thể gọi xe cứu thương mất phí tới nhà, kể cả không phải những tình huống khẩn cấp như bị thương nặng hay bệnh tật gì, nếu anh trả tiền thì vẫn có thể gọi xe cấp cứu tư nhân được. Có lần tôi bị sốt mấy ngày liền không rõ nguyên nhân, vợ tôi đã gọi xe giúp tôi (người Nga luôn biết trong những tình huống này thì gọi ai, rồi phải nói như nào). Xe cấp cứu đến thật, một đội cấp cứu mặt đăm đăm trông như sĩ quan quân đội đã “khám bệnh” cho tôi. Tôi nhớ là mình đã trả khoảng 10 ngàn yên cho ngày hôm đó. Khi hỏi người bạn Nga của tôi, họ bảo “Anh là người Nhật nên bị người ta chặt chém rồi”.

Lại có chuyện một cô sinh viên đi thi bằng lái, lí thuyết lẫn thực hành đều làm tốt, vậy mà mãi không đỗ. Khi bố cô gái gọi điện lên cho trưởng trung tâm sát hạch thì được trả lời “Chưa đưa tiền hối lộ thì đỗ làm sao được”. Cũng chẳng biết làm sao khi mọi người đều nghĩ rằng cứ đưa tiền là đỗ nhẹ nhàng, người chăm chỉ học với thi là ngớ ngẩn.

Dưới thời của chính quyền Putin, kinh tế dần ổn định, lương của công chức cũng được trả đầy đủ nên việc đút lót trắng trợn đã giảm đi đáng kể, nhưng hệ thống hối lộ khổng lồ vẫn còn. Lợi nhuận to lớn từ những ngành như tài nguyên thiên nhiên đều do những bên thân thiết với Putin độc quyền, vậy nên kết quả là ở Nga, tầng lớp trung lưu vẫn khó để phát triển.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời