Vô lượng không xứ (vùng hư không chẳng bờ bến) là vùng không gian tối đa hoá sức mạnh của Gojou (lãnh vực triển khai – tạm dịch: mở rộng lãnh địa). Trong Phật giáo cũng có một khái niệm là không vô biên xứ – một cảnh giới cao của thiền định. Đây là cảnh giới mà trong đó mọi dạng hiện hữu vật chất đều không còn, thiền giả chỉ trải qua trạng thái tự nhiên của hư không vô hạn. Thiền giả ở đó trong trạng thái tỉnh thức của tâm trí, không còn vướng vào những mưu cầu trong dục giới và sắc giới, cũng như không còn những tạp niệm của các cõi giới đó. Khi không bám chấp vào vật chất hay mong muốn, ta có thể hiểu được bản chất của vạn vật.

Vậy mối liên hệ giữa sức mạnh của Gojou và thiền định là gì? Cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Không vô biên xứ trong Phật giáo

Trước khi đạt đến cảnh giới của không vô biên xứ, thiền giả cần trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu, thiền giả chỉ biết rằng mình khao khát một sự yên bình cùng niềm vui sống mà không cách nào thoả cơn khát đó dù đã vui chơi và hưởng thụ. Họ trải qua cảm giác hân hoan khi biết rằng mình đã nhìn thấy con đường tìm đến niềm vui là hạnh phúc tự thân ở tầng thiền thứ nhất. Khi bắt đầu biết bình tĩnh nhìn vào bên trong mình, họ tới được ngưỡng cửa của niềm vui nội tại, biết mình không cần phải tìm kiếm nữa, đây là lúc trải qua tầng thiền thứ hai. Tiếp tục trải nghiệm nhiệm màu khi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc tự thân, thiền giả bước qua tầng thiền thứ ba. Cảm giác tự tại, an bình trong tâm do đã không còn phải chạy đi tìm kiếm niềm vui bên ngoài giúp họ tận hưởng được khoảng thời gian tiếp theo trong thư thái ở tầng thứ tư.

Tuy nhiên, niềm vui này chỉ là bước đầu trên con đường tu tập, thiền giả vẫn cần buông bỏ những suy nghĩ vướng mắc để tiến vào các tầng thiền định cao hơn như không vô biên xứ. Khi trước ta nghĩ đến những giới hạn của cơ thể, giới hạn của khả năng con người, giới hạn của không gian, v.v… thì ta phải buông hết những suy nghĩ về giới hạn đó. Tương tự, ta cần thoát khỏi sự phân biệt ta tạo ra cho bản thân mình rằng người này là tốt, người kia là xấu, người hợp với ta, người không hợp với ta, v.v… Thoát khỏi những định kiến, giới hạn, phân định đó, ta đến được với cảnh giới của hư không vô hạn. Cái khó ở đây là liệu ta có dám để tâm trí vượt lên trên những phân chia thường thấy không. Ta có nhận ra có một thứ tổng thể bao trùm tất cả những thứ mà ta coi là khác biệt, ta có hiểu qua thời gian, thân xác mình giây phút này có thể là bất cứ thứ gì trong vũ trụ qua quá trình hội tụ và tan rã của phân tử? Nếu tâm được khai mở, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi các giới hạn, tận dụng hết mức tiềm lực ấy, khai thông, mở rộng đến vô hạn.

Vô lượng không xứ của Gojou Satoru

Đối chiếu với trải nghiệm của Gojou, ta có thể nhận thấy khả năng của Gojou tăng dần lên qua mỗi lần gặp khó khăn. Trước khi xảy ra sự kiện với tinh tương thể Amanai Riko, Gojou vẫn sống rất vô ưu và tin rằng mình mạnh nhất không ai sánh bằng. Khi bị Fushiguro Touji đánh bại, Satoru đã được thức tỉnh. Sự thức tỉnh của anh đến từ chính cảm xúc bất lực khi biết mình không thể một tay giải quyết mọi việc, khi bị Touji tấn công mà anh không kịp đáp trả, khi hiểu rằng một mình anh không thể chống lại những thế lực hắc ám. Bởi vậy, khoảnh khắc hồi sinh từ cửa tử của Satoru trong trận chiến với Touji là hình ảnh của thiền giả khi chạm tới được không vô biên xứ: cảm nhận được vạn vật là một thể thống nhất, không có buồn đau, không có oán hận bất kì ai. Có lẽ đây là tiền đề cho anh trở thành chú thuật sư mạnh nhất với chiêu thức mở rộng lãnh địa mang đậm tinh thần thiền định của Phật giáo.

Hành động của Gojou khi mở rộng lãnh địa cũng là một thế bắt ấn (thủ ấn) trong Phật giáo Mật tông. Bắt ấn nghĩa là tác động vào đầu ngón tay, hoặc các gốc của ngón tay để kích hoạt những huyệt trong cơ thể, giúp trao đổi nội khí của cơ thể với thiên khí hoặc địa khí của vũ trụ bên ngoài. Bắt ấn trong Phật giáo thể hiện cho nguyện lực nhân duyên và hoàn cảnh giác ngộ, thậm chí đó còn là hình ảnh khi hành đạo và thuyết pháp của các vị Phật.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời