Trường mình là Đại học Ngoại ngữ Tokyo, có tên viết tắt là TUFS.

Ở bài này, mình sẽ giới thiệu qua về TUFS xem bạn có thể học được gì từ ngôi trường đặc biệt này nhé!

Lịch sử Đại học Ngoại ngữ Tokyo

Tiền thân của trường là Bansho Shirabesho (một viện nghiên cứu sách ngoại văn thời Mạc phủ), được thành lập vào năm 1857.

Sau nhiều lần được hợp nhất và tách ra khỏi một vài ngôi trường khác bởi sự thay đổi chính sách ngoại giao của Nhật trong lịch sử, năm 1899 trường đã được tồn tại độc lập với tên gọi “Trường Ngoại ngữ Tokyo”. Tính tới hiện giờ, có thể nói trường đã có hơn 150 năm lịch sử.

Điểm đặc biệt là sau khi được đổi thành “Đại học” vào năm 1949, tên tiếng Nhật của trường vẫn giữ nguyên là “gaikokugo” nhưng tên tiếng Anh chuyển từ “Foreign Language” sang “Foreign Studies”. Sự thay đổi này đã chuyển hướng đào tạo của trường từ chỉ giảng dạy ngoại ngữ sang đào tạo sinh viên có kiến thức về cả ngôn ngữ lẫn văn hoá khu vực.

Trường mình không có cổng các bạn ạ :v Đây là “cổng trường” đó!

Vị trí

Trường nằm ở Fuchu, phía Tây của Tokyo (nhiều người ở Tokyo lâu cũng chưa chắc biết), toạ lạc ở một nơi hẻo lánh với chiếc ga tàu mà chắc nhờ trường mình ở đó nó mới đông đúc lên. Nhưng theo chính phủ, trường được chuyển ra đây với mục đích xây dựng “một campus hướng ra thế giới”. Mình hơi nghi ngờ về điều này, nhưng việc campus ở một nơi xa khu trung tâm như vậy cũng khiến không khí của trường rất thoải mái kiểu “hương đồng gió nội”.

Ga Tama huyền thoại mới được hiện đại hoá thành công vào năm 2020 🙂

Học gì ở TUFS?

Để vào trường với tư cách là du học sinh, bạn chỉ cần có 3 khả năng: tiếng Nhật ổn, yêu sử thế giới + tin tức thời sự, và tinh thần chăm học. Sở dĩ mình nói thế là vì mình chưa gặp sinh viên nào ở trường nói rằng việc học ở đây nhẹ nhàng cả.

Trước khi vào trường, bạn cần chọn một trong 27 ngôn ngữ làm ngoại ngữ chuyên ngành (bao gồm cả tiếng Nhật), nghĩa là ngôn ngữ bạn chọn không phải tiếng mẹ đẻ của bạn (hoặc không sử dụng thành thạo) nếu bạn là du học sinh.

Tiếp theo bạn sẽ được chọn ngành. Trường mình có 3 khoa lớn là 1) Ngôn ngữ & Văn hoá 言語文化 (Genbun), 2) Xã hội quốc tế 国際社会 (Kokusha) và 3) Nghiên cứu Nhật Bản 国際日本 (Kokunichi). Cụ thể:

  • Khoa Genbun học chuyên sâu về ngôn ngữ học, tất cả xoay quanh ngành ngôn ngữ và nghiên cứu văn hoá: văn học, văn hoá, phong tục các nước trên thế giới.
  • Khoa Kokusha nghe hơi giống học về Toàn cầu hoá đúng không? Thực chất trong khoa này học chính trị, ngoại giao và quan hệ quốc tế.
  • Khoa Kokunichi mới có từ 2019, vốn được ghép từ hai phân ngành nhỏ của hai khoa còn lại (tức là mảng nghiên cứu ngôn ngữ & văn hoá Nhật của Genbun và mảng chính trị – xã hội – quan hệ ngoại giao Nhật của Kokusha).

Khách quan mà nói thì chương trình học của TUFS khá là nặng. Ví dụ, mình học khoa Kokusha, chuyên ngành Nghiên cứu khu vực, ngôn ngữ chuyên ngành là tiếng Trung, vậy thì môn học của mình sẽ chủ yếu về lịch sử TQ, chính trị quốc tế, lịch sử quan hệ quốc tế, an ninh, chính sách ngoại giao các nước với TQ, quan hệ kinh tế giữa TQ và các nước. Với các chuyên ngành khác thì có thể học cả về LGBT, Bình đẳng giới, Triết học, Luật, …

Thầy cô mình từng học ở trường đều rất tâm huyết, mình chưa thấy chán một môn nào vì thầy cô không nhiệt tình cả (hoặc mình được “độ” cho khả năng đăng kí tín chỉ thần sầu chăng?).

Mọi thông tin về trường sẽ có trên web chính thức của trường: tufs.ac.jp

Hoặc tìm trường mình và follow trên insta: tufs_tokyogaidai https://www.instagram.com/tufs_tokyogaidai/

Học nhiều thế rồi, chơi gì???

Mình sẽ không nói về các câu lạc bộ, vì trải nghiệm clb ở trường ĐH của mỗi người khác nhau, mình chỉ nói về những “cuộc vui lớn” ở trường thôi. 

Hội đua thuyền ボート大会

Đầu kì xuân hằng năm sẽ có ボート大会 (boat-taikai) kiểu team building cho sinh viên năm 1. Các bạn sẽ phải mặc áo của khoa rồi sang tận Saitama để cổ vũ đội chèo thuyền giữa cái nắng trưa hoặc mưa bất chợt. Đây hẳn là trải nghiệm khó quên vì sau một ngày gào thét ở bên bờ sông không ai còn khoẻ như lúc đầu cả…

Áo khoa nhìn yang hồ của khoa Trung bọn mình :3

Lễ hội văn hoá 外語祭

Tầm giữa tháng 11 hằng năm trường mình sẽ tổ chức lễ hội văn hoá 外語祭 (Gaigosai) trong MỘT TUẦN. Vâng, một tuần, vừa chơi hết mình vừa phải chạy deadline vì thầy cô đều nghĩ đây là một dịp để giao bài tập cho phần active learning như review trải nghiệm đọc sách, xem kịch, ăn đồ ăn các nước, v.v…

Sân khấu Gaigosai năm 2019.

Hoạt động của sinh viên các năm cũng khác nhau:

  • Năm 1, sinh viên sẽ đi bán đồ ăn như mọi chiếc ngày hội văn hoá khác ở Nhật, chỉ là đồ ăn đa dạng vùng miền, quốc gia và văn hoá hơn.
  • Năm 2, chúng mình sẽ đi diễn kịch, phải nói thứ ngôn ngữ mới học bập bõm được hơn một năm trước mấy trăm con người (buồn là năm 2 do Covid mình đã không có được trải nghiệm đó mà chỉ được quay phim lại).

Ngoài ra, sân khấu ngoài trời và trong nhà vẫn là những thứ thu hút người xem nhất: xem nhảy flamenco, múa bụng Ấn Độ, Salsa Cuba, dân ca Nga, Samba Brazil, nhảy KPop, Jazz, Rock, … Nói chung là đủ loại trên đời, hoặc đến ăn rồi vào xem kịch nghệ gì thôi cũng được. Bạn đủ sức thì đến chơi cả tuần, chắc chắn không phí thời gian đâu!

Đây là mình ở Gaigosai 2019, năm 1, vẫn còn “ngáo” sau khi đứng bán xiaolongbao cả ngày giời…

Sinh viên trường mình như nào?

70% là NỮ.

Cá nhân mình rất thích môi trường nhiều gái vì từ bé tới giờ mình toàn học lớp hay trường học ngoại ngữ, quá quen với việc đó rồi. Với trải nghiệm ít ỏi của mình thì sinh viên Nhật ở trường mình khá là cởi mở và thích trải nghiệm. Các bạn cùng khoa cũng giúp mình khá nhiều vì năm 1 và năm 2 trường mình cho học lớp ngoại ngữ nghe và nói rất ít (tầm 10-15 người) và gần như học chung hết các môn trong khoa.

Vào trường xong mình được lấy lại tinh thần chăm chỉ hồi cấp 2 cấp 3 học chuyên vì các bạn siêu chăm. Chỗ ngồi học trong trường cũng nhiều, thư viện thì mát mẻ hiện đại sáng sủa lại còn yên tĩnh, đi đâu cũng thấy người ngồi học ngoại ngữ cả…

Tinh thần học ngoại ngữ của các bạn cũng rất cao, nếu học tiếng Anh quá nhàm rồi thì trường mình cho thoải mái chọn ngoại ngữ 2, 3, 4, … Thậm chí bạn muốn làm polyglot (người nói nhiều thứ tiếng) 10 ngoại ngữ cũng được luôn!

Tầm năm 3 sinh viên trường mình sẽ bắt đầu đi…? Không phải 就職 (tìm việc) đâu, là đi DU HỌC :v Thế nên nếu tra cứu chút sẽ thấy tỉ lệ “lưu ban” của trường mình rất cao, nhưng phần lớn lí do là đi du học chứ không phải lười học đâu các bạn 🙂

Tất nhiên, vẫn có những người hối hận với lựa chọn của mình và từ bỏ, vì ngoại ngữ vốn khó mà.

Trường có làm mình thất vọng không?

CÓ CHỨ! (Nhưng mình sẽ liệt kê ra chứ không kể lể nữa)

1. Trường quá xa những chỗ vui chơi, kiếm chỗ chơi muốn bở hơi tai.

2. Một số khoa sẽ bắt bạn không được rớt môn tiếng nào, nếu không bạn sẽ bị “đúp” => căng thẳng vì sợ, ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm lí :v

3. Trường nhiều cây và chim chóc sâu bọ, mình thì sợ chim.

4. Campus bé nên ít chỗ check-in sang chảnh.

5. HỌC SỚM: 8 rưỡi đã học ca 1, điều này làm mình rất ức chế nếu ca 1 thực sự có môn hay…

6. Trường bắt mua từ điển giấy siêu đắt nhưng rồi ai cũng có kim từ điển hoặc xài các bản digital khác :v

7. Hay bị mọi người hỏi “học tiếng/ môn/ ngành này để làm gì?” 🙂

Kết luận thì…

Một góc khác từ “cổng trường”.

Vì mình đã từng học đại học ở Việt Nam (mình học hết kì 1 năm 2 ở Học viện Ngoại giao, ngành Ngôn ngữ Anh) nên có thể nói mình không quá bỡ ngỡ với việc làm quen cách học trên ĐH nói chung và việc học ở TUFS nói riêng.

Dưới con mắt của một du học sinh thì mình thấy trường mình đào tạo ngành khá là đặc thù, cũng giống hồi trước mình học ở Ngoại giao, nên ai thực sự yêu thích ngôn ngữ và các vấn đề quốc tế mới nên lựa chọn. Còn nếu bạn đã yêu thích rồi thì “nhào vô” thôi, vì chương trình học ở trường không thể làm cho bạn thất vọng nổi, tin mình đi!

Còn bạn vẫn chưa bị trường thuyết phục, đến quẩy Gaigosai vào tháng 11 để thấy sự dzui nhộn, nhé!


Mình đã chia sẻ những gì?

Bài phỏng vấn của mình trên website trường về áo dài: https://www.tufs.ac.jp/tufstoday/topics/students/21121701.html

TUFS in One Phrase (sinh viên trường mình nói gì về trường): https://www.youtube.com/watch?v=RYsN8NBXIMs


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Thẻ liên quan:

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

2 Bình luận

Trả lời