Tên gốc:『台湾――変容し躊躇するアイデンティティ』

Tác giả cuốn sách, giáo sư Wakabayashi Masahiro, được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử và chính trị hiện đại Đài Loan ở Nhật Bản. “Đài Loan – Căn tính biến đổi và lưỡng lự” (Chikuma Shinsho, 2001) là cuốn sách nhằm phân tích, định vị bản sắc của Đài Loan trong bối cảnh lịch sử quan hệ quốc tế vào thế kỷ 20. Trong khoảng 250 trang sách, lịch sử 400 năm của Đài Loan cùng hiện trạng đề cập trên tiêu đề đã được khái quát và phân tích cặn kẽ.


1. Nội dung cuốn sách
Cuốn sách được chia thành 11 chương, bao gồm cả chương mở đầu và chương kết. Nội dung của từng chương sẽ được giới thiệu dưới đây.

Giới thiệu: Cảnh ở Chi Sơn Nham
Tác giả nói về nguồn gốc các di tích trong công viên Chi Sơn Nham, một địa điểm du lịch mang đầy đủ dấu ấn của những mốc lịch sử quan trọng nhất, đồng thời đưa ra quan điểm rằng lịch sử của Đài Loan “ngắn nhưng phức tạp và đầy biến động”.

Chương 1: Hòn đảo qua lại giữa “Châu Á biển đảo” và “Châu Á đất liền”
Tác giả giới thiệu về Đài Loan dựa trên vị trí địa lí, khẳng định đây là khu vực chịu ảnh hưởng của Châu Á tư bản và Châu Á theo chủ nghĩa trọng nông. Sau đó, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực từ sự cai trị của đế quốc Hà Lan → chính quyền họ Trịnh → triều đại nhà Thanh, ý thức về sự hình thành một xã hội đa sắc tộc và nhận thức về sự khác biệt giữa mỗi nhóm dân tộc được mô tả rõ nét.

Chương 2: Tái hòa nhập vào “Châu Á biển đảo”
Tác động từ sự thống trị của đế quốc Nhật Bản mới nổi đối với việc hiện đại hóa Đài Loan được xem xét rất chi tiết. Đồng thời, sự tồn tại song song của bản sắc “dân đảo bản địa” và bản sắc “người Đài Loan” được giải thích dựa trên phong trào văn hóa của tầng lớp trung lưu và sự nổi dậy của các tộc người thổ dân (indigenous peoples) (*).

Chương 3: “Trung Hoa dân quốc” đã tới
Trong chương này, tác giả phân tích sự mâu thuẫn giữa những người bản địa – những người Đài Loan từ “dân gốc đảo” (dưới sự cai trị của Nhật Bản) trở thành “dân gốc tỉnh” (dưới thời Cộng hòa Trung Quốc) – với những “người ngoại tỉnh” (đến Đài Loan sinh sống sau năm 1945). Đặc biệt, sự kiện 28/2 – vụ bạo loạn của “dân gốc tỉnh” chống lại những “người ngoại tỉnh”, sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và ảnh hưởng xấu của cuộc bạo động này đối với xã hội Đài Loan được phân tích kỹ lưỡng. Tác giả kết luận rằng xã hội đa sắc tộc của Đài Loan sẽ được tổ chức lại bởi cộng đồng “người ngoại tỉnh” trong xã hội Đài Loan với sự kiểm soát của Quốc dân đảng.

Tưởng Kinh Quốc (trái) & Tưởng Giới Thạch (phải)

Chương 4: Sự định hình Đài Loan của Trung Hoa dân quốc
Chương này nói về thời kì Chiến tranh Lạnh, khi Đài Loan buộc phải trở thành chiến tuyến đầu của Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc đang thực hiện chính sách “nhất biên đảo về phía Liên Xô”. Ngoài chính sách “Trung Quốc hoá” nhằm thực hiện mục tiêu “phục quốc” của chính phủ, người dân Đài Loan còn phải đối mặt với “khủng bố trắng” và sự ngờ vực lẫn nhau gây ra bởi chính quyền chống cộng cực đoan. Ngoài ra, tác động từ các chính sách của chính quyền Tưởng đối với người dân bản địa được giải thích cặn kẽ. Tuy nhiên, tác giả cũng phân tích căn nguyên dẫn tới “phép màu” của nền kinh tế Đài Loan và đặc biệt là những thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa.

Chương 5: “Xứ biến bất kinh” (**)
Trong chương này, tác giả bàn về cuộc khủng hoảng đối ngoại của Trung Hoa Dân Quốc và sự hình thành Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) vào thời kỳ Tưởng Kinh Quốc nắm quyền, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đại lục xích lại gần nhau (chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972). Thực tế cho thấy, tình trạng cô lập của Đài Loan (bao gồm cả việc rút khỏi Liên Hợp Quốc) liên quan tới vấn đề về tính hợp pháp của chính phủ, do đó giới lãnh đạo Đài Loan cần phải đối phó với sự thay đổi này. Việc nới lỏng “cấu trúc kép” về mặt dân tộc của giới tinh hoa chính trị, cũng như các chính sách kinh tế chủ động mà Tưởng Kinh Quốc đưa ra như “Mười dự án xây dựng lớn” đều được tác giả phân tích chi tiết. Những sự kiện quan trọng của quan hệ quốc tế, như việc thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung và chủ trương “một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình cũng được đề cập tới. Cuối chương, tác giả phân tích về sự kiện “Đảo Mĩ Lệ “, một cuộc xung đột giữa các thế lực “ngoài Đảng” và chính quyền Quốc Dân Đảng, dẫn đến sự hình thành DPP.

Chương 6: Sự xuất hiện của Lý Đăng Huy và “Sửa đổi hiến pháp”
Tác giả phân tích con đường đấu tranh giành quyền lực của Lý Đăng Huy và sự tham gia của DPP vào vũ đài chính trị dựa trên việc thiết lập bản sắc dân tộc của Đài Loan. Sau Chiến tranh Lạnh, Lý Đăng Huy đặt mục tiêu “Đài Loan độc lập”, nhưng không đạt được sự ủng hộ từ phía dư luận như mong đợi, vì vậy DPP đã giành được một phần ba số ghế thông qua chủ trương “Hai quốc gia”, mở ra một triển vọng tươi sáng cho quá trình dân chủ hóa hệ thống chính trị Đài Loan.

Chương 7: Chủ nghĩa dân tộc Đài Loan và mối quan hệ giữa chính trị và các tộc người
Trong chương này, tác giả phân tích nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Đài Loan. Ngoài chủ nghĩa dân tộc chính trị cùng với dân chủ hóa, những người “dân gốc tỉnh” và “người ngoại tỉnh” trong các cộng đồng dân tộc ở Đài Loan cũng nỗ lực phát huy bản sắc của mình. Sự khẳng định bản sắc văn hoá của những thổ dân Đài Loan hay người Khách Gia cũng được thể hiện qua một vài phong trào. Trong bối cảnh đó, tác giả kết luận rằng, giải pháp cho vấn đề độc lập/ thống nhất của Đài Loan phụ thuộc vào việc người dân có chấp nhận được tính đa nguyên văn hóa và tôn trọng lẫn nhau hay không.

Chương 8: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan
Trong chương này, những biến đổi trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan và đường lối ngoại giao tích cực của Lý Đăng Huy được phân tích cụ thể. Người ta cho rằng, chính nhờ chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Lý Đăng Huy dần dần nhận được sự ủng hộ của cử tri mà ông đã có được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong lịch sử Đài Loan.

Chương 9: Bước khởi đầu cho nền Cộng hòa thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc
Chương này đề cập tới vận mệnh của Đài Loan gắn liền với chính quyền của Trần Thuỷ Biển. Đài Loan hậu “dân chủ hoá” không thể thay quốc kỳ hoặc quốc ca cũng như không thể thay đổi tên gọi của mình, nhưng bản sắc quốc gia về cơ bản không còn giống như trước đây. Do đó, đối mặt với những thời cơ và thách thức của thế kỷ mới, chính quyền của Trần Thuỷ Biển đã trở thành chìa khóa cho sự phát triển của một Đài Loan hiện đại.

Chương kết

2. Ấn tượng về cuốn sách
Hầu hết các vấn đề quan trọng trong cuốn sách này đều được tập trung phân tích từ chương thứ ba trở đi, tức là từ thời kỳ Quốc Dân Đảng nắm quyền sau năm 1945, kết thúc khi Trần Thuỷ Biển của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) trở thành Tổng thống thứ 22 của Đài Loan. Từ sự thay đổi chế độ đến phong trào dân chủ hóa của tầng lớp trí thức, mọi sự kiện lịch sử quan trọng ở Đài Loan đều được tác giả phân tích rõ ràng. Người đọc có thể thấy toàn bộ lịch sử phức tạp của Đài Loan được tóm tắt một cách mạch lạc, dễ hiểu. Cụ thể, xã hội đa sắc tộc của Đài Loan được phân tích lặp đi lặp lại nhiều lần, cho thấy sự “biến đổi” và “do dự” trong căn tính của Đài Loan đã tồn tại suốt thời gian dài. Ngoài ra, điểm đặc biệt của cuốn sách này là một loạt các biến cố chính trị và xã hội của thế kỷ 20 gắn liền với hai cuộc Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh Lạnh được sử dụng như một khung tham chiếu để nhận biết những thay đổi trong quá trình “khẳng định bản thân” của Đài Loan.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được đề cập trong nội dung của cuốn sách được viết rất chi tiết này. Thứ nhất, ảnh hưởng của Nhật Bản đối với nhận thức về bản sắc của người dân Đài Loan trong Thế chiến II không được nhấn mạnh, có lẽ là do yếu tố thời điểm. Ở Nhật Bản, Thế chiến II là thời kỳ chủ nghĩa dân tộc lên cao, vậy xu hướng này có ảnh hưởng đến sự hình thành bản sắc của những người sống ở Đài Loan hay không, khi mà có trường hợp nhiều người dân Đài Loan vào thời điểm đó vẫn coi mình là con dân đế quốc Nhật (***)? Hoặc, có hay không một sự phân chia tư tưởng hay một phổ chính trị nào tồn tại trong tầng lớp trí thức Đài Loan lúc đó có ảnh hưởng đến bản sắc dân tộc sau độc lập? Với những “khoảng trống” như vậy trước khi đi vào phân tích những vấn đề của Đài Loan sau năm 1945, người đọc có thể cảm thấy rằng không có mối liên hệ nào giữa hai chương (chương 2 và chương 3).

Hơn nữa, việc sử dụng khái niệm “chủ nghĩa dân tộc” cho Đài Loan chưa được thuyết phục, khi không có sự đồng nhất về cái gọi là “căn tính” của mỗi tộc người ở Đài Loan. Chủ nghĩa dân tộc là gì? Đó là phong trào hướng tới xây dựng một quốc gia-dân tộc hiện đại có chủ quyền của một cộng đồng người trong xã hội, mà trong đó các cộng đồng người này gắn kết với nhau và nhận thức được một cách chủ quan về sự khác biệt của cá nhân mình qua những tiêu chí khách quan trong sự tương quan với các cộng đồng khác. Ở Đài Loan, do không tồn tại nền tảng cho chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh mẽ, tức là, sự tưởng tượng của một cộng đồng gắn kết với nhau về cái gọi là “dân tộc”, nên Đài Loan cần phải khắc phục sự thiếu vắng này như một thách thức đối với sự đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, người Đài Loan hiện nay nhận ra bản sắc của họ chủ yếu dựa trên sự gắn kết bởi tính hợp pháp của chính quyền, nhưng lại chưa xem xét đúng mực các giá trị văn hóa và xã hội khác. Đây có thể là lí do tại sao căn tính của Đài Loan vẫn còn “do dự” như vậy.

Tóm lại, cuốn sách này không chỉ đơn thuần liệt kê những sự kiện lịch sử, mà còn đưa cho độc giả lời giải thích về bản chất của những sự kiện đó và cung cấp một bước đệm quan trọng để nghiên cứu Đài Loan. Đây có thể coi là cuốn sách cần có cho những ai muốn bước đầu tìm hiểu về lịch sử chính trị cận-hiện đại của Đài Loan.

***

Chú thích
(*) Bạn đọc có thể tìm hiểu bộ phim “Seediq Bale” (Hào khí chiến binh) để tìm hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Nhật của thổ dân Đài Loan.
(**) Thành ngữ Trung Quốc, ý nói: ở trong hoàn cảnh rối loạn vẫn phải giữ tinh thần bình tĩnh, không được hoảng sợ. Câu này đã trở thành khẩu hiệu dưới thời Tưởng Kinh Quốc.
(***) Trong bộ phim “Seediq Bale” cũng có nhắc tới vấn đề này.


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

1 Bình luận

Trả lời