Tôi không nhớ vị giáo sư Pháp nào, ở lâu năm bên ta, đã nói: “Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn.” Lời bình phẩm có vẻ vội vàng, gắt gao nhưng không phải là không có một phần sự thực. Vì sự thực: cái bệnh ỷ lại là bệnh của ta và đã ăn sâu trong xương tủy người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa.

Không phải bây giờ mà từ bao giờ, không phải ở trong văn chương mà ở khắp các địa hạt, người Việt Nam đã tỏ ra mình là một giống người sống một cách lười biếng và cẩu thả.

“Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn.”

Nếu dân Pháp được người ta khen là một thứ dân “biết sống”, thì dân Nam rất đáng cho người ta chê về phương diện ấy. Dân Nam cẩu thả và biếng nhác trong sự ăn, sự mặc, sự ở, nhất là trong sự phô diễn tư tưởng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái điều cuối cùng này mà thôi, vì tôi không muốn ra ngoài phạm vi một tờ báo văn học.

Cái tinh thần lười biếng và cẩu thả ấy đã làm cho văn chương ta nghèo nàn gần như “không có”. Tự ta, ta không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta; ta chỉ muốn hưởng thụ những “của sẵn”, và cam tâm làm kiếp con ve của thơ Ngụ Ngôn. Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa.

Rồi xưa kia chúng là những người Tầu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.

Nếu ông cố đạo kia không có cái ý hay hay, ngộ ngộ áp dụng vào tiếng ta cái lối viết latinh, thì ta đến nay có lẽ cũng chưa có chữ quốc ngữ. Và nền văn học của ta không biết còn nghèo nàn đến thế nào nữa.

Nhưng anh cũng không nên bi quan lắm, và thứ nhất là phải hết sức công bình. Cách đây độ vài mươi năm, ở nước ta đã có một phong trào sùng bái quốc văn, cầm đầu là ông Phạm Quỳnh.

Người ta kiểm soát lại các giá trị hiếm có, và “phát minh” ra “Truyện Kiều”. Người ta mới bắt đầu tin ở mình, tin ở tài lực mình, tin ở cái thiên tài của dân tộc, tin ở những cái khả năng ghê gớm của quốc âm. Một tương lai rất mênh mông và rất gần gụi. Người ta hăng hái, người ta nhiệt thành, người ta chỉ xin “cúc cung tận tụy” cho Quốc văn. Một sự nỗ lực đáng đánh dấu lại trên cái lịch trình tiến hóa của dân tộc. Nhưng cái bệnh của nhà nho ngày xưa vẫn chưa tuyệt nọc: ta vẫn đi vay mượn của người. Xưa kia người ta vay mượn vì quá siêng năng. Và vì mộ nguyên lý khác: làm cho tiếng Việt Nam được giầu thêm. Nhưng chẳng khác nào, người ta đã “ghép” một giống cây tốt vào một thân cây đã khô héo. Người ta ham vay mượn mà nhãng quên cái gia tài sẵn có của mình. Thật ra cũng chỉ tại những người lúc bấy giờ quá sùng thượng “Truyện Kiều” và coi nó là một cái khuôn vàng cho sự đúc nặn của Quốc văn. Mà “Truyện Kiều”, dầu sao ta cũng phải nhận là một tác phẩm chửa thoát khỏi lề lối Tầu: từ cốt truyện cho đến triết lý cuốn sách, nhất là lời thơ đầy những điển cố Tầu.

Rồi xưa kia chúng là những người Tầu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.

“Truyện Kiều” là cái thí nghiệm tốt đẹp thứ nhất của tiếng Việt Nam mà còn bị phải “cố tật” ấy, huống hồ là những người sùng bái “Truyện Kiều”, lấy “Truyện Kiều” làm “kinh nhật tụng”. Không những người ta không nhìn nhận cái bệnh ấy của “Truyện Kiều” mà người ta còn coi đó là một sự vẻ vang trong truyện Kiều. Chẳng thế mà ta thấy những nhà chú giải “Truyện Kiều” bắt những câu thơ hay, hay một cách vô tình và tự nhiên, cũng phải từa tựa với những câu văn xưa nào ở trong các kinh truyện Tầu, nghĩa là họ đã cố làm cho bực thiên tài Việt Nam không sản xuất được một cái gì thật là riêng của mình, của dân tộc Việt Nam. Họ đã gán cho Nguyễn Du sự vay mượn mà tiên sinh không hề làm. Theo cái óc của nhà nho, thì một bậc thiên tài trước hết phải là một “bồ chữ” – động một cái gì cũng có thể “dẫn sách” được. Họ không biết rằng: cái giá trị của mình chỉ có thể có bởi mình. Và những câu thơ hay đẹp nhất ở trong “Truyện Kiều” là những câu thơ thuần túy Việt Nam. Những nhà nho chú giải “Truyện Kiều” vô tình đã gây nên một lề thói rất không tốt cho sự gây dựng quốc văn mà chính họ chủ trương: vô tình người ta vẫn khuyến khích sự vay mượn những danh từ, những điển tích Tầu. Họ có biết đâu rằng tinh thần sáng tạo của ta vì thế trở nên lười biếng và quốc văn không tiến được như ý nguyện.

Cái thời kỳ vay mượn của Tầu đến nay đã qua rồi, nhưng điều di hại vẫn còn. Từ nhà nho Tầu người ta trở nên nhà nho Tây. Ta hãy để lại một bên những người say mê viết Pháp văn – những đứa con bội bạc ấy – ta chỉ nói đến những ngọn bút vẫn một niềm phụng sự tiếng mẹ đẻ – và chỉ nên tiếc rằng: cũng như xưa, tiếng mẹ để không được phụng sự một cách toàn vẹn hơn. Họ là những người học Tây; họ có cái khuynh hướng “Âu hóa” những danh từ, những điệu ngữ, cả cái cách xuất diễn tư tưởng. Họ còn dám làm một việc không thể làm được: họ sửa đổi cả những tiết tấu thiên nhiên, những âm luật huyền bí của tiếng Việt Nam. Nhiều khi, việc ấy cũng có thể coi như là một sự cải cách cần thiết, một sự nhu cầu của cuộc đời mới. Nhưng cái gì cũng có một giới hạn: cái giới hạn đã bị vượt, điều hay lại trở nên dễ dàng một điều rất xấu. Xưa kia, chúng ta có những chữ sáo rỗng-không mượn ở Tầu, thì bây giờ chúng ta cũng lại có những chữ sáo vô-nghĩa dịch ở Tây. Thật là không nên nói, mà thật là có như vậy. Những ngữ điệu bị “Pháp hóa”, hay những danh từ bị “Việt hóa” đó – chính không phải là tai nạn, mà chỉ chứng tỏ một cái bệnh về tinh thần, nguy nan hơn: chúng ta đã cảm xúc, đã tư tưởng theo người Tây. Cái hình thức kia chỉ là kết quả đương nhiên của sự biến đổi của một tâm hồn. Kỳ trước nói đến thơ Xuân Diệu, tôi có tự hỏi: “… đã từng ở giữa những xóm dừa, ăn rau sắng, ngửi mùi lúa ngự, ta có thể nhất đán trở nên một người Tây – một người Tây thành thực và trọn vẹn được không?” Ở đây, ta hãy thí dụ là có thể được nữa, nhưng đó không phải là một cái lý để “Âu hóa” nền văn chương Việt Nam. Nền văn chương ấy – nếu nó đã có – thì nó phải có mãi, và phải độc lập mãi mãi, đứng riêng ra một địa vì ngoài sự chi phối của chính trị, hay kinh tế. Chúng ta có thể mất hết văn chương. Và chúng ta chỉ mất “văn chương” khi ta muốn “ngoại hóa” nó đi mà thôi, nghĩa là muốn lột hết những tính cách riêng của nó.

Với sự “Âu hóa”, tôi sợ nền văn chương Việt Nam sẽ mất những tính cách riêng, và rồi sẽ không thành thực nữa vì bị “mất gốc”. Tôi đã từng nhận rằng: Sự “mất gốc” là điều kiện của kẻ mạnh, cần cho một cuộc đời to tát, và chỉ những người yếu mới cam tâm tự chôn sâu vào trong đất nước, vào trong cổ truyền tập tục, vào trong quá khứ để tránh những cơn mưa to gió lớn… Những cái điều có thể rất hay cho một cá nhân, lại có thể rất không hay cho một nền văn chương chung của cả một nước. Ở địa hạt văn chương, sự “mất gốc” lại trở nên nguy hiểm. Văn chương không cần phải có những sự phiêu lưu nguy hiểm ấy mới to nhớn. Điều trái lại có lẽ đúng hơn. Một ngày rời khỏi khí hậu, cái cây sẽ héo ngay. Nó phải hút chất màu ngay ở chỗ đất nó mọc. Thật ra nhiều khi nó cũng có thể mang trồng qua chỗ khác được, nó cũng vẫn sống như thường. Cây cam Xã Đoài rời qua làng bên cạnh nó vẫn sống, nhưng không còn là cây cam Xã Đoài nữa. Văn chương Việt Nam chỉ có thể có giá trị khi nó là văn chương Việt Nam mà thôi.

Chúng ta là lớp người cuối cùng được dự xem một thế giới đương suy tàn: cái cuộc đời Việt Nam đương trở nên một cuộc đời khác… Đó ta muốn gọi là một sự tiến bộ cũng được, nhưng khi trèo bước tới một cuộc đời quốc tế đó, ta phải nhận rằng: cái gì sâu xa, chân thực trong tâm hồn, trong cuộc đời Việt Nam đã rơi rụng hết, để nhường chỗ cho những cái khác ở ngoài vào… Đó có thể là một sự rất may mắn cho cuộc sinh hoạt của cả một dân tộc, nhưng là một điều rất không may cho văn chương. Cái nhiệm vụ của nhà văn Việt Nam trong lúc này thật là nặng nề mà cũng thật là rõ ràng; được chứng kiến một giai đoạn độc nhất trong lịch sử, nhà văn Việt Nam với sự tai nghe mắt thấy trong giờ phút này, phải tạo tác ra một nước Việt Nam trong văn chương. Một nước Việt Nam còn ngân mãi bởi những câu hát đúm của các cô gái quê, còn sống mãi bởi cái phong vị say sưa của các cô gái quay tơ (vì cái chế độ đại kỹ nghệ sắp làm chết cái nghề tầm tang đầy thi vị) và lưu giữ mãi bởi cái này và cái kia đã làm nên những cái đặc sắc của một nền văn chương.

Cây cam Xã Đoài rời qua làng bên cạnh nó vẫn sống, nhưng không còn là cây cam Xã Đoài nữa. Văn chương Việt Nam chỉ có thể có giá trị khi nó là văn chương Việt Nam mà thôi.

Nhà văn Việt Nam trong lúc này có cái sứ mệnh phải tiếp tục quá khứ, và truyền giao quá khứ ấy lại cho hậu lai, làm cho người Việt Nam bất diệt trong tinh thần, trong tư tưởng.

Xưa kia ta đã sống một cách rụt rè, lười biếng.

Đã đến lúc ta phải siêng năng trong sự phô diễn tư tưởng, cố gắng trong sự sáng tạo. Với những tài liệu hoàn toàn Việt Nam, ta sáng tạo lại những cảnh đời Việt Nam sắp đổ sụp.

Tôi cầu nguyện cho sớm xuất hiện một cuốn thơ hay một cuốn tiểu thuyết xây dựng với những tài liệu ấy ở đất nước và một thiên tài của xứ sở, một cuốn thơ hay một cuốn tiểu thuyết có thể nói với thiên hạ rằng: “Đây là một tác phẩm của người Việt Nam, một giống người đã nghĩ và đã cảm.”

Các tác phẩm mong mỏi ấy, ta phải can đảm mà nhận rằng hiện nay ta chưa có, nhưng rồi ta phải có – nếu quả Trời chưa muốn nước Việt Nam ta phải diệt hẳn ở trong tư tưởng của người đời.

(Lưu Trọng Lư, trích “Tao Đàn 1939″)


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời