Có rất nhiều lí do để người ta yêu mến một đất nước: con người, văn hóa, điện ảnh, thiên nhiên, … Tôi tiếp xúc với Nhật Bản một cách tình cờ nhưng không dành quá nhiều tình cảm cho đất nước này. Tất cả ấn tượng của tôi chỉ đơn giản là một chút ngưỡng mộ những thành tựu của họ, đôi lúc tìm hiểu thêm về văn hóa nơi đây, hay ngồi xem những bộ phim dài tập mỗi khi rảnh rỗi. Khi biết đến “Vạn Diệp Tập”, tôi vẫn còn hoài nghi: không biết tôi nên lí giải cảm xúc dành cho Nhật là gì?

Ngày tôi tìm đến “Vạn Diệp Tập” là một ngày mưa. Lang thang trên những trang web về anime, tôi vô tình chú ý đến “Kotonoha no niwa”. Suốt chiều dài bộ phim, điều làm tôi ấn tượng hơn cả chính là hai bài tanka đối đáp:

Một tiếng sét, thoáng mơ hồ, mây mù giăng kín

Nếu trời có đổ mưa, em vẫn chờ nơi đây chứ?”

“Một tiếng sét, thoáng mơ hồ, dù mưa hay nắng

Vẫn nơi đây, mãi đợi chờ

Cả hai nằm trong quyển thứ 11 của “Vạn Diệp Tập” – tập thơ lớn nhất và cổ xưa nhất của Nhật Bản còn tồn tại đến nay. Nếu đã chuộng trà đạo, cắm hoa hay thơ haiku, tôi nghĩ mình cũng nên tìm hiểu vài nét về Manyoushuu để đào sâu văn hóa của xứ sở hoa anh đào.

Văn học là cầu nối tâm hồn của con người ở mọi thời đại. Dù Vạn Diệp Tập đã ra đời cách đây hơn 12 thế kỷ, tôi không cảm thấy một chút xa lạ. Trái lại, tôi thấy mình gần gũi hơn với tâm tình của những thiên hoàng, công chúa, hoàng tử, quan lại; những người nông dân, thôn nữ, cô gái hát rong, lính thú nơi hoang đảo hay kẻ khất thực.

Tất cả thơ đều nằm trong một chữ “tâm” (心). Tình cảm được bày tỏ chân thực từ đáy lòng của con người thời đại ấy. Có người sẽ nghĩ “Vạn Diệp Tập” đã quá xa vời, lời thơ vụng về của cả ngàn năm trước liệu rằng ta có thấy động lòng? Đừng vì suy nghĩ sai lầm ấy mà bỏ qua, tôi chắc chắn người ta sẽ phải ngỡ ngàng trước những tình cảm thô sơ, chất phác, thuần khiết lại bạo dạn và nhiều khi nhạy cảm, tinh tế; đậm vẻ sầu thương nhưng cũng không vì thế mà kém phần lạc quan. Đề tài của Manyoushuu rất rộng rãi, đến mức làm tôi vô cùng kinh ngạc, từ ngâm vịnh ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên đến bày tỏ nhiệt tình yêu đương, bộc lộ lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng son sắt; khi bày tỏ nỗi đoạn trường trước cảnh tang tóc, tuyệt vọng; khi khôi hài, châm biếm, … nghĩa là muôn màu muôn vẻ.

Người thời xưa, nhất là người Nhật, đứng trước thiên nhiên có một thái độ khác với chúng ta bây giờ. Họ gắn bó, đồng cảm và phản ứng lại với nó một cách tích cực hơn. Một khi đã có những chuyển biến của thời tiết thì cũng sẽ có cái rạo rực của tình yêu: ví người yêu với cành hoa đẹp, ví giọng nói nàng với tiếng sơn ca, nhìn phong cảnh cũ nhớ đến người cách xa. Nắng sớm mưa chiều đều gợi lòng hoài niệm. Thiên nhiên như thế từ thuở nào đã gắn liền với tâm hồn thi nhân thời Vạn Diệp.

Em đi vào trong núi

Rừng thu lá đỏ chen

Lạc hướng không về nữa

Ngơ ngác, ta đi tìm

Mịt mùng nào thấy lối

Làm sao gặp hỡi em?

Bên cạnh đó, không ít người đã dành tặng những dòng thơ tinh tế gửi tặng bằng hữu:

Có phải trên đường đó

Về kinh đô xa xôi

Người sẽ bước lầm lũi

Theo lối lá vàng rơi

Đầm đìa hạt mưa lạnh

Vượt qua bao núi đồi?

Đến mới những trang thơ của Otomo no Tabito, tôi lại bắt gặp màu sắc Lão – Trang hay thần tiên. Việc sống sao cho hạnh phúc trong cuộc đời ngắn ngủi chi phối tư tưởng của ông, bởi ông đã trải qua rất nhiều mất mát nên không khỏi xúc động trước cảnh vô thường tịch liêu của kiếp người.

Suy đi rồi tính lại

Khổ tâm chi chuyện đời

Lo lắng mãi cho lắm

Cũng đến thế mà thôi

Thà nâng vò rượu đục

Một ngụm vạn sầu vơi

Con người thời Vạn Diệp cũng mang trong mình lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Họ làm thơ nói về cảnh đẹp non sông, nói lên lời khấn nguyện cho cuộc sống ấm no, ca ngợi đất nước Yamato, mong mỏi cuộc sống ấy mãi được bền lâu.

Ngoài những câu chuyện hạnh phúc ở đời, ta cũng bắt gặp hai trạng thái đối lập của cuộc đời: Somonka nói về sự sống, banka nói về cái chết. Tranh ngôi đoạt vị, thắng làm vua, thua làm giặc, “Vạn Diệp Tập” như một cuốn sử không khô khan mà sinh động với những lần huynh đệ tương tàn, những mối tình bất thành, lời oán của vị hoàng tử phải tự kết liễu cuộc đời mình khi tuổi đời chưa đầy 20 hay chút tư tình của người thiếp bị bỏ rơi trong lãnh cung. Đâu đó là niềm vui khi được yêu, nỗi buồn khi bị hờ hững, nỗi thương vợ, ngóng chồng, yêu con, nhớ về quê cũ xa vời. Có ai từng bừng sống lại lúc xuân về, tê tái nhìn thu đi? Hay yêu mến đan vào khiếp sợ trước thiên nhiên hùng vĩ nhưng bất trắc? Nơi này là giọt nước mắt của người lính buộc lòng phải xa quê, nơi khác là tiếng cười phận bạc của kẻ hành khất.

Dễ dàng cảm động khi đọc Manyoushuu là vì lẽ gì? Bởi “Vạn Diệp Tập” là tấm gương phản chiếu cuộc đời, có gì quan trọng với con người ngoài sự sống và cái chết, nhất là khi cái chết đơn giản như hồi kết của quá trình cuộc đời. “Vạn Diệp Tập” xứng đáng với ý nghĩa tên gọi của nó, “tập thơ đáng được lưu truyền đến muôn đời”.

Người Nhật có câu thành ngữ 縁は異なもの味なもの, nghĩa là “Duyên số không biết từ đâu đến, vì thế mới thú vị”. Liệu tôi có nên coi sự “gặp gỡ” với “Vạn Diệp Tập” là kỳ duyên?


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học gia sư tiếng Nhật: https://www.facebook.com/akigawanihongo/

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tìm hiểu các cụm từ, thành ngữ, mẫu câu thú vị: https://www.tiktok.com/@akigawanihongo/

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời