~Sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc về sự kiện tường Berlin sụp đổ và mối quan hệ với CHDC Đức~
Sau khi Gorbachov lên nắm quyền, quan hệ giữa Liên Xô (LX) và CHDC Đức (Đông Đức) biến chuyển theo chiều hướng xấu. Một mặt là Gorbachov có khuynh hướng thân phương Tây, mặt khác chính sách Đông Đức của LX có phần lỏng lẻo hơn nhưng lại xa rời về đường lối. Đây là lúc phía Đông nước Đức ngả về Trung Quốc. Cuối những năm 80, tình hình nhân quyền, tự do tư tưởng, chính trị ở Trung Quốc cũng trở nên nhức nhối. Đặc biệt, sau sự kiện Thiên An Môn năm 89, uy tín của Trung Quốc giảm đi rõ rệt. Bởi vậy, sự tồn tại của Đông Đức, sự sống còn của Đảng CS ở Đức là liều thuốc cổ vũ tinh thần cho Trung Quốc, giảm bớt căng thẳng ngoại giao cho nước này.
Trong thời điểm đó, sự sụp đổ của bức tường Berlin như một đòn giáng mạnh vào giới chức Trung Hoa. Họ vốn giữ niềm tin rằng tuy đỉnh điểm mâu thuẫn đã xảy đến nhưng thể chế vẫn còn. Qua một đêm, sáng mở mắt dậy nghe tin hai bờ Đông Tây Berlin đã hợp nhất, quả thực điều này quá sức tưởng tượng. Nhưng kể cả thế, trong những ngày còn lại của tháng 11/1989, ở Trung Quốc vẫn diễn ra tuần lễ phim CHDC Đức, đáp lại thân tình 40 năm quan hệ ngoại giao mà CHDC Đức đã dành cho mình (“Tuần lễ Trung Hoa” tại CHDC Đức).
Giữa cơn khủng hoảng của hệ thống XHCN ở Đông Âu, căng thẳng giữa các nước anh em gia tăng làm khối phía Đông không còn tin tưởng lẫn nhau. Việc Trung Quốc và CHDC Đức tiến lại với nhau là một cái gai trong mắt Liên Xô.
Vậy có thực sự tồn tại tình cảm gần gũi gắn bó như thế giữa hai nhà nước?
Câu trả lời là không. CHDC Đức dẫu bằng mặt không bằng lòng với Liên Xô vẫn tuyệt nhiên không có ý định lạnh mặt hoàn toàn, hoặc có thì cũng từ phía Liên Xô mào đầu. Sự bền vững của Liên bang Soviet là sự bảo đảm cho sự sống còn của CHDC Đức. Trung Quốc thì khác. Sau những bàng hoàng ban đầu về sự kiện 9/11, Đặng Tiểu Bình đã tập trung đi theo con đường “xây dựng XHCN mang đặc sắc Trung Quốc”. Về ngoại giao, Trung Quốc “không can thiệp vào nội bộ nước khác”. Đây như một lời khẳng định ngầm, rằng số mệnh của Đảng CS ở CHDC Đức không liên quan tới vận mệnh của chế độ XHCN ở Trung Hoa. Do đó, không lâu sau khi tường Berlin sụp đổ, Trung Quốc ngỏ lời chúc mừng cho sự thống nhất của nước Đức, bày tỏ lập trường sẵn sàng chung sống hòa bình với mọi quốc gia, nhắc lại quan hệ tốt đẹp giữa mình và cả hai nước Đức khi trước.
Thực chất, việc hợp nhất hai quốc gia này, trong con mắt của chính khách Trung Hoa là sự hợp nhất của hai thể chế. Trung Quốc đề cập tới một khái niệm là 一国両制 (“nhất quốc lưỡng chế”), ủng hộ sự tồn tại của nhà nước có hai chế độ đối lập, cũng chuẩn bị cho quá trình giành lại sự kiểm soát ở Macau, Hồng Kông và đặc biệt là Đài Loan. Ở viễn cảnh này, giống như nước Đức thời điểm đó, Trung Hoa đại lục vẫn theo XHCN, TBCN ở ba vùng còn lại vẫn được duy trì. Nhưng đáp lại chính quyền Trung Hoa đại lục, Đài Loan phản đối bằng 一国良制 (“nhất quốc lương chế”, đồng âm), cho rằng sự thống nhất ở Đức là do TBCN ưu việt hơn, theo bài trừ tự nhiên, cũng như chế độ XHCN ở Trung Quốc không tốt thì mãi mãi không thể có tương lai hợp nhất.
Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật
Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7
Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62
Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/
Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/
Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/