Gojou Satoru đã thốt ra câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” trong một cảnh anh tỉnh thức, tái sinh thành chú thuật sư mạnh nhất. Khoảnh khắc hồi sinh từ cửa tử của Satoru là hình ảnh của thiền giả khi chạm tới được cảnh giới cảm nhận được vạn vật là một thể thống nhất, không có buồn đau, không có oán hận bất kì ai. Vậy nguồn gốc của câu nói này là gì?

Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn

Đây là một cụm từ lấy từ điển tích trong Phật giáo. Người ta ghi lại rằng khi Thái tử Tất-đạt-đa (tức Phật Thích-ca Mâu-ni) ra đời, sau khi bước bảy bước, Ngài một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và hét lên: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”

Thật không may, những lời này được giải thích như một tuyên bố rất tự phụ của Đức Phật, rằng “Điều vĩ đại nhất và quý giá nhất trên đời này chỉ là một mình ta”, hay “Trên đời này chỉ có ta là kẻ mạnh duy nhất”.

Tuy nhiên, cách giải thích này không chính xác. Đây nên được hiểu là lời khẳng định đầu tiên của Đức Phật về mục tiêu cao cả của con người. Linh hồn con người không sinh ra khi chúng ta ra đời mà đã trải qua sáu cõi (lục đạo). Nói một cách cụ thể, “sáu cõi” này là cõi Địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi a tu la, cõi người và cõi trời. Điểm chung của sáu cõi là tất cả đều khiến chúng ta lạc lối. Do đó, bảy bước chân của Phật Thích-ca có thể tượng trưng cho việc “ta thoát ra khỏi u mê của lục đạo để tìm hạnh phúc thực sự”.

Tiếp đến là từ “Ngã”. Đây không phải là từ chỉ bản thân Đức Phật, mà nói đến mỗi con người. Nếu xét về thời kỳ Phật ra đời, chúng ta được biết Ấn Độ cổ đại với chế độ hà khắc của thần quyền do Bà-la-môn giáo đặt ra, tất cả đều dưới quyền của Thánh Brahma, thì con người hầu như là nô lệ của Thần linh, Thượng đế, đặc biệt là các giai cấp thấp trong xã hội bị tước đi những quyền lợi của con người. Do đó, câu nói trên của Đức Phật chính là tư tưởng giải phóng loài người ra khỏi những trói buộc của chế độ Thần quyền, rằng con người nói chung phải làm chủ chính mình, chứ không phải là nô lệ của bất cứ Thần linh, Thượng đế nào.

Như vậy với tư cách là con người, Ngài đã đại diện là một con người ưu tú “tuyên ngôn độc lập” cho loài người. Trí tuệ con người nếu được tu tập, rèn luyện theo chánh pháp thì mỗi con người chính là trung tâm của vũ trụ, trên trời dưới đất không ai sánh bằng. Vậy ta có thể hiểu “duy ngã độc tôn” theo đúng tinh thần Phật giáo là: vũ trụ bao la rộng lớn nhưng trên đời này chỉ có con người đáng quý chứ không phải một thế lực siêu nhiên nào khác.

Còn rất nhiều câu chuyện thú vị tiếp diễn với Jujutsu Kaisen, hãy chờ xem kết cục của những kẻ dám tuyên bố “duy ngã độc tôn” với trời đất sẽ ra sao!


Tham khảo thêm một số trang web về tiếng Nhật

Đăng kí học tiếng Nhật: https://forms.gle/X44hZPKAoJUvUYua7

Behance của mình: https://www.behance.net/phanthuha62

Tra cứu các cách kết hợp từ trong tiếng Nhật (cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia NB): http://nlb.ninjal.ac.jp/

Tổng hợp ngữ pháp tiếng Nhật: https://phanthuha.me/category/tieng-nhat/

Đọc thêm về Jujutsu Kaisen: https://phanthuha.me/category/jujutsu-kaisen/

Hà Phan

Một con mèo thích đọc chuyện chính trị.

Trả lời